Để triển khai mục tiêu này, TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh các giải pháp đột phá để từng bước đưa ngành công nghiệp trở thành trụ cột thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Với quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh xác định phát triển ngành công nghiệp là mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế liên tục được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Đến nay, sản xuất công nghiệp của TP Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ gần 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố và khoảng 30% sản lượng công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp hơn 10% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13 tỷ USD. 

Ảnh minh họa. TTXVN

Nhằm nhận định rõ thực trạng, tiềm năng, lợi thế ngành công nghiệp trong giai đoạn hiện tại, trong năm 2023, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh và các ban, ngành liên quan đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị đánh giá một cách cụ thể, toàn diện về lợi thế, tiềm năng và thực trạng phát triển công nghiệp. Đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh chia sẻ, ngành công nghiệp của thành phố cần được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, nhằm phát huy được giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo sức hút đối với nhà đầu tư quốc tế. Hiện nay, ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh vẫn còn những hạn chế, phát triển chưa xứng với tiềm năng, lợi thế. Cụ thể, một số ngành công nghiệp chủ lực, nhất là chế biến, chế tạo vẫn còn ở quy mô nhỏ, thiếu cơ chế, chính sách và hệ sinh thái bổ trợ, sự liên kết giữa cách ngành công nghiệp với nhau còn yếu; quỹ đất phát triển công nghiệp còn hạn chế, chi phí sử dụng đất cao…

Muốn phát triển công nghiệp bền vững phải đặt trong mối liên kết giữa các địa phương với nhau và liên kết quốc tế. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh. Vừa qua, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã thực hiện ký kết với sở công thương các tỉnh Đông Nam Bộ về liên kết sản xuất, cung ứng, chế biến sản phẩm công nghiệp, trên cơ sở phân công sản xuất, phát huy lợi thế, tiềm năng trong chuỗi cung ứng liên vùng. Chẳng hạn như các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… cần phát huy vai trò cung ứng nguyên vật liệu, sơ chế, chế biến. TP Hồ Chí Minh tập trung phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp dịch vụ xuất khẩu, kiểm định chất lượng sản phẩm công nghiệp… Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát huy tiềm năng logistics phục vụ xuất khẩu… Mô hình liên kết này cần tiếp tục phát huy hiệu quả trong phát triển công nghiệp, tăng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đến thị trường quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hiện đại, mang tầm khu vực, các chuyên gia kinh tế đề xuất, TP Hồ Chí Minh cần tập trung vào một số nhóm nội dung chiến lược, như: Tận dụng tốt các cơ hội thu hút đầu tư vào công nghiệp bằng các cơ chế, chính sách đặc thù; tái cấu trúc ngành công nghiệp gắn với chú trọng phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử-công nghệ thông tin, hóa dược-cao su nhựa, chế biến lương thực-thực phẩm), ưu tiên công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao; xây dựng hạ tầng cảng biển, giao thông kết nối liên vùng; phát triển quỹ đất công nghiệp, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp chuyển đổi số…

BẢO MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.