Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên tiếp tục củng cố, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường. Các cấp, ngành, địa phương tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt công suất thiết kế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang triển khai; thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Thanh Hóa nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm nhằm tạo không gian phát triển mới; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công để dẫn dắt, thu hút nguồn lực hợp pháp của xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, của tập thể, cá nhân cán bộ, lãnh đạo, quản lý; tập trung khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. Tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, tiêu cực.
Một góc TP Thanh Hóa/ Ảnh: TTXVN |
Giai đoạn 2024 – 2025, Thanh Hóa đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm tăng 12,96% trở lên; thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm tăng 10% trở lên. Tỉnh phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Đồng thời, Thanh Hóa tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là về xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh rà soát, khắc phục các hạn chế yếu kém, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư, nhất là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Địa phương kịp thời giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp; rà soát, mẫu hóa thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường; khắc phục điểm nghẽn về hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp… nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.
Thanh Hóa tổ chức linh hoạt các hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tiếp cận, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, ra quyết định đầu tư. Tỉnh chú trọng thu hút các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thu hút đầu tư từ các nước có tiềm năng về vốn, công nghệ; tăng cường vận động, kêu gọi các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty trong nước có uy tín, năng lực tài chính đầu tư các dự án lớn trên địa bàn.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Thanh Hóa đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2021 – 2023 ước đạt 9,69% (đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước). Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng (đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ). Tổng thu ngân sách Nhà nước 3 năm (2021 – 2023) ước đạt 132.418 tỷ đồng; trong đó, năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước.
Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 – 2023 ước đạt 409,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6% mục tiêu nhiệm kỳ; cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Giai đoạn 2021 – 2023, tỉnh thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 29 dự án FDI; điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án với số vốn tăng thêm 90,9 triệu USD.
Công tác xây dựng Đảng được tăng cường và triển khai toàn diện trên các lĩnh vực. Công tác tổ chức cán bộ được thực hiện chặt chẽ, thận trọng, bài bản, minh bạch. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, dư luận quan tâm, các địa phương, đơn vị có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 166 vụ án, 385 bị can liên quan đến tham nhũng, kinh tế.
TTXVN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.