Cụ thể trong đó thu nội địa tháng 11 ước đạt 116,7 nghìn tỷ đồng, bằng 8,1% dự toán, thấp hơn khoảng 49,6 nghìn tỷ đồng so với thu tháng trước, chủ yếu do một số khoản thu chế độ cho phép thu theo quý (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi ngân hàng nhà nước,…) phát sinh quý III các doanh nghiệp đã kê khai nộp trong tháng 10, sang tháng 11 phát sinh thấp.

Lũy kế 11 tháng ước đạt 1.506,5 nghìn tỷ đồng, bằng 104,3% dự toán, tăng 16,8% so cùng kỳ năm 2023; không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 105,9% dự toán, tăng 12,1% so cùng kỳ năm 2023.

Tháng 11-2024: Thu ngân sách nhà nước ước đạt 139,4 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa: TTXVN 

Thu từ dầu thô tháng 11 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, bằng 9,8% dự toán. Lũy kế 11 tháng ước đạt khoảng 52,7 nghìn tỷ đồng, bằng 114,5% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2023.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 11 ước đạt khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt khoảng 35,5 nghìn tỷ đồng, bằng 9,5% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ trong tháng khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng ước đạt 248,6 nghìn tỷ đồng, bằng 121,9% dự toán, tăng 18,6% so cùng kỳ năm 2023, trên cơ sở: tổng số thu thuế ước đạt 382,9 nghìn tỷ đồng, bằng 102,1% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 134,3 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán.

Về chi ngân sách nhà nước, lũy kế chi NSNN 11 tháng ước đạt 73,6% dự toán, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 60,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm cả về giá trị và tỷ lệ so cùng kỳ; chi trả nợ lãi ước đạt 82,2% dự toán, tăng 6,4% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 83,8% dự toán, tăng 10,8% so cùng kỳ.

Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng năm 2024 là 24,7 nghìn tỷ đồng để bổ sung kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và hỗ trợ cho các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, đột xuất, cấp bách; kinh phí phòng, chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh (trong đó bổ sung 430 tỷ đồng hỗ trợ 12 địa phương để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và ổn định đời sống nhân dân). Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp gần 16,78 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân (trong đó khắc phục hậu quả cơn bão số 3 là 433 tấn).

PHƯƠNG MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.