Tổng giá trị trái phiếu huy động được qua đấu thầu là 18.975 tỷ đồng; trong đó, 14.475 tỷ đồng trái phiếu Kho bạc Nhà nước phát hành và 4.500 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành.

Trái phiếu Kho bạc Nhà nước phát hành nhiều nhất tại kỳ hạn 10 năm và 15 năm, với tỷ trọng 41,45% và 34,54% tổng khối lượng phát hành trong tháng.

Về lãi suất, trái phiếu kỳ hạn 5 năm tăng nhẹ các phiên đầu tháng, sau đó giảm tại phiên cuối tháng, kỳ hạn 10 năm, 15 năm có cùng mức tăng 6 điểm cơ bản so với tháng 9. Tại thời điểm cuối tháng, lãi suất huy động kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm lần lượt là 1,62%; 2,42%; 2,65% và 3,05%.

Tháng 10, huy động gần 19.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ . Ảnh minh họa: Baohanoimoi 

Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ trúng thầu kỳ hạn 5 năm, với mức lãi suất trúng thầu giữ ổn định trong tháng là 2,5%.

Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch trái phiếu Chính phủ theo phương thức thông thường (outright) đạt hơn 89.258 tỷ đồng, giao dịch mua bán lại (repos) đạt gần 22.678 tỷ đồng trong tháng 10.

Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 10 đạt 5.088 tỷ đồng, giảm 20,77% so với tháng trước đó. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tháng 10 chiếm 2,46% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giá trị bán ròng đạt 58 tỷ đồng.

Lợi suất giao dịch bình quân của công cụ nợ tăng nhiều nhất ở các kỳ hạn 15-20 năm, 25-30 năm và 10 năm, tăng tương ứng 24,34%; 12,28% và 11,29% so với cùng kỳ tháng trước; giảm nhiều nhất ở các kỳ hạn 5-7 năm và 20-25 năm, tương ứng mức giảm 3,39% và 2,41% so với cùng kỳ tháng trước.

Về kỳ hạn, các kỳ hạn trung và dài hạn được giao dịch nhiều nhất toàn thị trường; trong đó, kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất là 15 năm, 10 năm, 25-30 năm với tỷ trọng so với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường tương ứng là 17,11%; 13,96% và 11,88%.

THẾ TRUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.