(Chinhphu.vn) – Cơ cấu lại đầu tư công tập trung cho những công trình, dự án lớn, mang tính biểu tượng, xoay chuyển tình hình và chuyển trạng thái sẽ khiến đầu tư công tạo ra tác động tích cực hơn nữa tới tăng trưởng, phát triển kinh tế trong…
Dù việc khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất nông-công nghiệp sau siêu bão Yagi vẫn đang được tích cực triển khai, mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024.
Theo chuyên gia ADB, con số được đưa ra dựa trên kết quả nửa đầu năm cũng như các chính sách hiện tại. Trong đó, vấn đề đầu tư công, gồm đầu tư vào phục hồi cơ sở hạ tầng sau thiên tai, hỗ trợ sản xuất… được nhóm nghiên cứu của ADB nhấn mạnh.
Nhìn vào nỗ lực, quyết tâm và các giải pháp kịp thời từ phía Chính phủ, có thể thấy, các chuyên gia ADB đã đưa ra một nhận định khách quan.
Ngày 17/9/2024, song song với các hoạt động khắc phục hậu quả do bão và hoàn lưu bão Yagi, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Theo Nghị quyết này, Chính phủ sẽ có các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, lệ phí… cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, xây dựng các chương trính tín dụng với lãi suất phù hợp… cho các hộ cá thể, doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão Yagi; khôi phục nhanh chóng các cơ sở logistics và kho bãi bị hư hỏng…
Đầu tư công, vốn luôn giữ vai trò động lực của tăng trưởng GDP hàng năm, đang gánh vác một nhiệm vụ nặng nề hơn khi Chính phủ vẫn kiên định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 7%, vượt 0,5-1% chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao.
Thực chất, câu hỏi làm sao để tăng cường hơn nữa hiệu quả của đầu tư công từ lâu đã có lời đáp thoả đáng. Gần đây nhất, trong Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 8/8/2024 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, Thủ tướng đã yêu cầu phải tập trung bố trí trọng tâm, trọng điểm để triển khai những nhiệm vụ, công trình, dự án lớn, mang tính biểu tượng, xoay chuyển tình hình và chuyển trạng thái. Cùng với đó, phải ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để dẫn dắt, khai thác tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác.
Đánh giá cao tính thực tiễn và chính xác trong quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, TS. kinh tế Huỳnh Thanh Điền (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) lý giải, đối với nền kinh tế, đầu tư công có cả vai trò trong ngắn hạn và dài hạn. Trong dài hạn, một mặt, đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng thông qua chuẩn bị cơ sở, nền tảng, như hạ tầng logistics, hạ tầng số, đường xá, bến cảng… cho sự phát triển trong trung hạn và dài hạn của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung; mặt khác, nguồn lực này phải hướng đến tính bền vững. Chúng ta không chỉ đo đếm các kết quả đạt được của nền kinh tế mà không tính đến các hệ luỵ tiêu cực, như ô nhiễm môi trường, giảm khả năng ứng phó biến đổi rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu…
“Chính vì thế, nếu muốn đầu tư công hiệu quả, phải tập trung vào những công trình lớn, mang tính biểu tượng, xoay chuyển tình hình và chuyển trạng thái”, TS. Huỳnh Thanh Điền khẳng định.
Trong ngắn hạn, theo TS. Huỳnh Thanh Điền, mỗi công trình đầu tư công được triển khai đều ngay lập tức tác động tới công ăn việc làm của người lao động, các thị trường hàng hoá liên quan, thu nhập của doanh nghiệp, từ đó kéo theo nguồn thu cho ngân sách. Cùng với đó, đầu tư công sẽ có tác động thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn làm ăn, rõ ràng nhất là từ các chương trình kích cầu kinh tế, các chính sách tín dụng ưu đãi…
“Vấn đề nằm ở chỗ, các công trình đầu tư công phải lôi kéo được sự tham gia của càng nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa càng tốt. Theo quan sát của tôi, nếu đầu tư đúng địa chỉ, số tiền hỗ trợ từ nguồn lực công mà doanh nghiệp nhận được luôn ít hơn phần mà doanh nghiệp đóng góp lại vào ngân sách Nhà nước”, ông Huỳnh Thanh Điền nhận xét.
Thực tế, đây cũng là vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính hết sức quan tâm, đặc biệt là rút kinh nghiệm từ thực tiễn chỉ đạo công trình đường dây điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối được tiến hành “thần tốc” trong hơn 6 tháng.
Thủ tướng gần đây đã nhiều lần yêu cầu, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, các nhà thầu chính cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương làm nhà thầu phụ tham gia, để vừa thi công nhanh dự án, vừa tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, vừa giúp các doanh nghiệp địa phương trưởng thành để làm các dự án lớn khác của địa phương, của vùng, của đất nước.
Dù vậy, vị chuyên gia cho rằng, để hiện thực hoá ngày càng có hiệu quả những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các cấp thừa hành cần nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh tư duy.
Đầu tiên, khi đề xuất, phải đứng từ góc nhìn toàn diện, chiến lược, ưu tiên các công trình, dự án có thể giải quyết vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực có liên quan. Chẳng hạn, xây dựng đường xá, cầu cống tốt sẽ đồng thời giải quyết được bài toán ngập lụt ở đô thị, vì thế, thay vì tách các dự án giao thông, chống ngập riêng, hãy tập trung vào dự án hạ tầng giải quyết đồng thời hai mục tiêu trên.
Thứ hai, khi đánh giá, quyết định chủ trương đầu tư, phải bám sát vào quy hoạch chung, hướng đến lợi ích tổng thể trước khi nhìn vào lợi ích từng ngành, từng lĩnh vực, tránh tư duy chia đều, cào bằng, với ý kiến tư vấn, góp ý từ một đội ngũ chuyên gia có tầm nhìn, mà phải khách quan, độc lập, vì lợi ích chung thẩm định, đánh giá các dự án.
Thứ ba, trong vấn đề quản lý, chúng ta cần phải chuyên nghiệp hoá dần, đặc biệt với các dự án có vốn vay từ nước ngoài. Quản lý dự án là một nghề mà người thiếu chuyên môn hoặc chuyên môn chưa vững không thể làm tốt được.
TS. Huỳnh Thanh Điền cho rằng, có thể có các cơ chế thuê người quản lý dự án, và quan trọng hơn, tạo môi trường để những người giỏi được thuê về có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, tránh trường hợp họ muốn cống hiến nhưng lại vướng cơ chế, phải từ bỏ công việc.
Hoàng Hạnh