Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và đại diện một số bộ, ngành.
Theo tờ trình của Bộ Công an về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi một số quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài… vào Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Có 4 chính sách được đề nghị trong việc xây dựng luật gồm: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử. Thứ 2 là tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về đề nghị xây dựng dự án luật về xuất, nhập cảnh. |
Thứ 3 là hoàn thiện quy định của pháp luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh Việt Nam. Trong đó, đề nghị nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, bổ sung thị thực điện tử có giá trị nhiều lần, mở rộng diện cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ và mở rộng điều kiện cấp. Chính sách thứ 4 là nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Thẩm tra đề nghị xây dựng luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành luật. Đối với đề nghị nâng thời hạn, mở rộng diện cấp, điều kiện cấp thị thực điện tử, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí, tuy nhiên, cần làm rõ cơ sở, căn cứ của đề xuất về nâng thời hạn thị thực điện tử.
Phát biểu tại phiên họp, Trung tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh, các ý kiến thảo luận thống nhất cao với thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về sự cần thiết ban hành luật, bảo đảm phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật. Đồng thời, cơ bản thống nhất với 4 chính sách do Chính phủ đề xuất, hồ sơ đề nghị xây dựng luật cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại phiên họp. |
Theo Trung tướng Lê Tấn Tới, cơ quan thẩm tra thống nhất đề nghị bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đề nghị trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023). Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần bổ sung theo một số ý kiến đóng góp về sự phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, đánh giá tác động của chính sách mới, các điều kiện bảo đảm để thi hành luật…
Chiều cùng ngày, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật bỏ vân tay trên thẻ căn cước; sửa dòng chữ “căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”; thông tin về quê quán, nơi thường trú, chữ ký người được cấp thẻ thay bằng số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú… Bổ sung quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam…
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết xây dựng luật, qua đó, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Việc ban hành luật với nhiều quy định mới cần được đánh giá tác động một cách toàn diện, có thời gian để kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả các hoạt động vừa triển khai. Do đó, Thường trực uỷ ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện ứng dụng phần mềm, đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ từng nội dung trong dự thảo luật để bảo đảm hiệu quả, tính khả thi cao.
Tin, ảnh: MẠNH HƯNG