(Chinhphu.vn) – Các chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế, bảo đảm mục tiêu đặt ra. hội thảo “Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) và ngành đồ uống”…
Ngày 8/8, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) và ngành đồ uống”.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) trong Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam có vai trò kinh tế và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng/năm, luôn đứng ở vị trí những DN đóng góp ngân sách nhất nhì địa phương. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, ngành đã gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách quản lý hạn chế… khiến các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của DN trong ngành đều giảm sút từ một tới hai con số. Các DN phải tính tới tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy, cắt giảm lao động…
Vì vậy, theo VBA, Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến đề xuất tăng thuế TTĐB cao đối với rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB là một “cú sốc” đối với các DN trong ngành. DN đã đang khó lại còn khó hơn.
Phân tích của VBA cho rằng báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo mới chỉ đề cập tới con số tăng thu ngân sách, mà chưa có các đánh giá định lượng, mức độ ảnh hưởng cụ thể, như: DN giảm sản lượng và doanh thu bao nhiêu, ảnh hưởng tới lao động, an sinh xã hội như thế nào, tác động tới các ngành hàng liên quan trong chuối cung ứng, dịch vụ ra sao?
“VBA và DN ngành đồ uống thấu hiểu và chia sẻ với các mục tiêu quản lý nhà nước cũng như sự ổn định, an toàn sức khỏe của người dân và cộng đồng. Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước về tăng thuế. Tuy nhiên, Dự thảo cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA kiến nghị.
VBA đề nghị xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB trong giai đoạn này, cần đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học với đề xuất mặt hàng mới này.
Góp ý về nội dung này, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phân tích: Việc tăng thuế TTĐB cao có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung – dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận DN, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập DN.
Do tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ, nên TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam. Để tránh tăng sốc cho thị trường, DN, có thể xem xét mức tăng thuế trong ngắn hạn và giãn lộ trình tăng thuế trong trung hạn.
Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đồng ý với chủ trương điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia. Tuy nhiên, cần hướng đến chính sách thuế TTĐB hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý thuế, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng việc tăng thuế TTĐB cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế TTĐB đề ra. Việc tăng thuế có thể làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu.
Người tiêu dùng có thu nhập thấp khi đó sẽ chuyển cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách dân tự nấu rượu, tự pha chế, không nộp thuế TTĐB (Nhà nước thất thu thuế) , không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Theo đó, mục tiêu hạn chế tiêu dùng, đảo bảo sức khỏe cộng đồng khó thực hiện,
Do đó, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, cần xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các DN có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn.
Có cùng quan điểm, PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng: Không nên tạo ra những cú sốc tăng thuế cho DN, xã hội, cho người lao động khi tổng số thuế phải trả quá lớn.
Chuyên gia Ngô Trí Long lưu ý, thuế đang bỏ ngỏ những cơ sở sản xuất chưa đăng ký; người dùng vẫn có thể dễ dàng mua rượu bất hợp pháp với giá cạnh tranh.
Hiện tại, trong giá bán 1 lít rượu có dán tem hiện nay, gần 2/3 là thuế các loại. Có thể thấy, rượu không dán tem dù giá bán có thấp hơn, thì thực chất vẫn rất đắt, mang lại siêu lợi nhuận cho các cơ sở kinh doanh nhờ trốn thuế.
Không chỉ gây thất thu thuế, hầu hết các loại rượu không dán tem đang lưu hành trên thị trường đều không đủ tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tiêu chuẩn. Do nấu và pha chế bằng phương pháp thủ công, nên việc kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm thường không đảm bảo, có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc lâu dài, đe dọa tính mạng người tiêu dùng. Loại rượu này chất lượng kém và là nguyên nhân gây ra ngộ độc, hàng năm gây thất thu ngân sách lớn .
“Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế. Cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây ‘sốc’ cho DN, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng: Nếu tăng mạnh thuế TTĐB thì người “hưởng lợi” nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống bất hợp pháp. Trong khi các cơ sở chính thống chịu nhiều loại thuế và các quy định chặt chẽ về phòng chống tác hại, quy chuẩn, môi trường, thì các cơ sở bất hợp pháp không phải chịu, đồng thời có điều kiện bán tốt hơn khi tăng giá chính thức. Dù lực lượng quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra tích cực nhưng do lợi nhuận bất hợp pháp cao, tình hình buôn lậu trong lĩnh vực này rất phức tạp.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Bùi Thị Việt Lâm –
Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ tại Việt Nam dẫn chứng: Khi chính phủ Anh bắt đầu tăng thuế vào đầu năm 2023 – tăng 10,1%, thấp hơn nhiều so với mức mà dự thảo luật thuế TTĐB ở Việt Nam hiện đề xuất thì doanh số bán rượu mạnh giảm 20%. Tương ứng, doanh thu thuế từ việc bán rượu mạnh đã giảm 108 triệu bảng Anh từ tháng 8 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024. . Sau cùng, chính phủ đã đình chỉ tăng thuế vào cuối năm 2023 để đối phó với việc giảm doanh thu từ thuế đồ uống có cồn và áp lực chi phí sinh hoạt.
Còn Malaysia đã từng trải qua cú sốc thuế vào giai đoạn năm 2014 – 2015 khi quốc gia này liên tiếp tăng thuế TTĐB. Việc tăng thuế cao và đột ngột như ở Malaysia đã không hỗ trợ chính phủ Malaysia đạt được mục tiêu ban đầu, thay vào đó, đã tạo ra các hiệu ứng domino tiêu cực trên thị trường, làm mất nguồn thu của chính phủ, nhiều nhà máy phải đóng cửa, nhiều người bị mất việc làm.
Còn tại Australia, năm 2023, Chính phủ nước này đưa ra dự toán rằng họ phải đối mặt với khoản thâm hụt 170 triệu AUD (tương đương 114 triệu USD ) do thuế rượu tăng. Thuế TTĐB đối với rượu ở Australia không chỉ làm thất thu ngân sách mà còn góp phần gia tăng lạm phát và áp lực từ chi phí sinh hoạt.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn đó, bà Bùi Thị Việt Lâm cho rằng: Cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để để áp dụng một cách hài hòa, hợp lý phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam, đánh giá toàn diện các tác động.
“Bên cạnh công cụ thuế cần đi kèm các công cụ khác như tăng cường chống buôn lậu, kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng”, bà Bùi Thị Việt Lâm góp ý.
Anh Minh