(KTSG Online) – Kinh tế quí 1 vẫn tăng trưởng ở mức ổn định, nhưng áp lực của năm trở nên rõ rệt hơn khi thương mại thế giới biến động với thuế đối ứng từ phía Mỹ. Ảnh hưởng thương chiến thế giới đến Việt Nam là rõ rệt,…
(KTSG Online) – Kinh tế quí 1 vẫn tăng trưởng ở mức ổn định, nhưng áp lực của năm trở nên rõ rệt hơn khi thương mại thế giới biến động với thuế đối ứng từ phía Mỹ.
Từ sức ép thuế quan
Thông tin tích cực nhất trong tuần này có lẽ là việc Việt Nam sẽ được tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày và áp dụng mức thuế 10%, đồng thời tiến hành các bước đàm phán tiếp theo với Mỹ.
Không chỉ Việt Nam mà sức ép thuế quan còn đè nặng lên kinh tế toàn cầu. Các đối tác thương mại lớn của Mỹ như EU hay Trung Quốc đều không ngừng điều chỉnh chính sách thuế đối ứng nhằm phản ứng lại.
Các nền kinh tế nhỏ có độ mở cao như Việt Nam được dự báo sẽ gặp khó khăn nhiều hơn. Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Maybank hạ dự báo tăng trưởng nhóm ASEAN-6 từ mức 4,7% xuống còn 4,2%, do tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư có khả năng thấp hơn dự báo trước đó nếu theo biểu thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trong tuần trước đó.
Đánh giá về kinh tế Việt Nam hiện nay, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Cấp cao Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered, cho biết nhìn chung các chỉ số kinh tế chủ chốt trong tháng 3 cho thấy sự ổn định. Tuy nhiên, rủi ro thương mại và biến động tiền tệ vẫn là hai yếu tố quan trọng quyết định các chính sách tiếp theo.
Đến giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP
Trong bối cảnh biến số rủi ro thương mại toàn cầu xuất hiện từ cuối quí 1, Chính phủ vẫn nhấn mạnh sẽ “không thay đổi” mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025. Bên cạnh việc đàm phán thuế quan, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy kinh tế để giữ nhịp tăng trưởng.
Số liệu Cục Thống kê cho biết tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quí 1-2025 ước đạt 6,93%, tăng cao nhất so với các năm trong giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn dự báo trước đó của các định chế tài chính quốc tế.
Lý giải một phần được cho là vì kinh tế thế giới biến động mạnh, bất ổn nhiều hơn, trong khi nhóm doanh nghiệp nội địa vẫn chưa hết khó khăn, dù nhiều ngành nghề có dấu hiệu phục hồi.
Riêng tại TPHCM, tăng trưởng GRDP đạt mức 7,51%, đi cùng tổng dư nợ trên địa bàn tăng 1,39% so với cuối năm 2024 và tăng 11,82% so với cùng kỳ. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh khu vực 2, đây là mức tăng trưởng cao so với mức lần lượt cùng kỳ 2024 là 0,96% và 1,25%.
Dấu hiệu dòng vốn phục hồi là điểm tích cực đối với tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm nay cao hơn năm 2024, đồng thời Chính phủ cũng đặt kịch bản giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trên, hệ thống cung ứng vốn cũng phải đảm bảo đầy đủ. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là tính liên tục, bền vững trong dài hạn và chất lượng của tăng trưởng.
Đặc biệt, khi căng thẳng thương mại toàn cầu lên cao, dòng vốn đầu tư có thể sẽ tái cơ cấu. Chiến lược tăng trưởng của Việt Nam cũng cần tính toán để duy trì được sự ổn định của các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn nhiễu động của kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy thách thức nhưng cũng dần mở ra nhiều cơ hội mới, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức Diễn đàn Tài chính – Bất động sản 2025 thường niên với chủ đề năm nay là “Xây nền cho chu kỳ tăng trưởng mới”, phản ánh nhịp đập thị trường, dự báo tương lai trong thế giới có nhiều yếu tố bất định.
Diễn đàn sẽ chia thành hai phiên chính, mỗi phiên tập trung vào một khía cạnh quan trọng của nền kinh tế hiện nay. Phần đầu bao gồm sự thảo luận về tác động thuế đối ứng, chiến lược tái cơ cấu sản xuất, định hướng dòng vốn và các biện pháp giảm nhẹ tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại.
Còn trong phần thứ hai, các chuyên gia sẽ đánh giá tác động của “cuộc chiến thuế quan” đối với năng lực thu hút vốn đầu tư FDI và đưa ra các giải pháp nhằm “thoát bẫy việt vị”, tạo đà cho sự bùng nổ của bất động sản công nghiệp trong thời gian tới.
Diễn đàn Tài chính – Bất động sản năm 2025
Sự kiện dự kiến diễn ra vào ngày 8-5 tới đây tại TPHCM, cùng sự góp mặt của hơn 120 khách mời là các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước, lãnh đạo các Bộ, ban ngành liên quan, lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng thương mại và nhiều định chế tài chính khác.
Độc giả quan tâm đến sự kiện, muốn tham gia Diễn đàn Tài chính – Bất động sản năm 2025, xin vui lòng đăng ký tham gia theo đường dẫn dưới đây:
https://forms.gle/FwqLtsZf5L7shY4FA