(Chinhphu.vn) – Những tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) còn hơn 45.000 tỷ đồng cần được giải ngân để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ phân công. Tuy nhiên, hiện công tác này đang vướng một số quy định trong quá trình giải ngân nguồn vốn Chương…
Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn khoảng 95.222 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là 54.549 tỷ đồng, vốn trung hạn là 40.673 tỷ đồng.
8 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã phân bổ cơ bản toàn bộ kế hoạch qua 6 đợt giao và điều chỉnh chi tiết, bảo đảm đủ vốn để thực hiện các dự án trọng điểm.
Trong tổng số hơn 49.700 tỷ đồng đã giải ngân trong 8 tháng 2023, giá trị giải ngân nguồn vốn phục hồi đạt hơn 27.000 tỷ đồng; vốn trung hạn giải ngân 22.630 tỷ đồng.
Kết thúc 8 tháng đầu năm 2023, Bộ GTVT tiếp tục duy trì tỉ lệ giải ngân ở mức cao hơn bình quân chung cả nước khi tổng giá trị giải ngân đạt hơn 49.700 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm và đạt 95% so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Là một trong các đơn vị có tỉ lệ giải ngân cao với hơn 5.600 tỷ đồng được giải ngân tính đến ngày 11/9/2023 (trên tổng số hơn 9.558 tỷ đồng), dự kiến năm 2023, Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long sẽ giải ngân được hơn 9.518 tỷ đồng, đạt 99,6% tổng số vốn được giao (hơn 9.558 tỷ đồng).
Còn Ban QLDA 6 đặt ra mục tiêu giải ngân 100% số vốn được giao (10.908 tỷ đồng). Hiện, giá trị giải ngân của đơn vị đã đạt hơn 7.000 tỷ đồng, đạt hơn 64% kế hoạch.
Còn đại diện Ban QLDA 7 khẳng định, trường hợp gặp phải khó khăn khách quan, đơn vị này vẫn phấn đấu đạt 95% kế hoạch vốn được giao.
Trong tổng số hơn 13.100 tỷ đồng vốn được giao (gồm cả 305 tỷ đồng được bổ sung), hiện sản lượng giải ngân của Ban QLDA 7 đạt gần 7.300 tỷ đồng, đạt hơn 55% kế hoạch. Dự kiến hết tháng 9/2023, giá trị giải ngân của Ban sẽ đạt hơn 8.000 tỷ đồng (đạt 61%), cơ bản đạt kế hoạch đề ra và đạt theo mặt bằng chung của Bộ GTVT.
Mặc dù đang giữ tiến độ giải ngân tốt, song đại diện Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, cơ quan này đang vướng nút thắt trong quá trình giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (vốn phục hồi).
Theo đó, trên cơ sở chấp thuận của cấp có thẩm quyền, Bộ GTVT đã bố trí khoảng gần 4.000 tỷ đồng từ nguồn vốn phục hồi cho một số dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 (các dự án không thuộc danh mục sử dụng vốn phục hồi).
Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng, việc giải ngân cho các dự án như Mai Sơn-QL45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2 vẫn chưa thể thực hiện.
Đại diện Ban QLDA 7 cho biết, theo kế hoạch năm 2023, số vốn phục hồi được giao cho dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết là hơn 1.300 tỷ đồng, dự án cầu Mỹ Thuận 2 là 650 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do phải chờ hướng dẫn từ các bộ chuyên ngành, từ đầu năm đến nay, Ban phải điều chuyển nguồn vốn ngân sách nhà nước từ các dự án khác để giải ngân cho hai dự án để bảo đảm tiến độ.
Ban QLDA Thăng Long cho biết, đơn vị đã điều hoà linh hoạt nguồn vốn phục hồi cho dự án Mai Sơn-QL45 (1.000 tỷ đồng trên tổng kế hoạch vốn gần 2.200 tỷ đồng) và dự án Phan Thiết-Dầu Giây (700 tỷ đồng trên tổng kế hoạch vốn hơn 1.800 tỷ đồng).
Đến nay, nguồn vốn giao cho hai dự án theo kế hoạch năm đã tiêu hết, song hướng dẫn cụ thể về việc phân bổ nguồn vốn phục hồi chưa có.
Mục tiêu giải ngân hết 100% số vốn được giao của Ban QLDA 6 cũng đang gặp khó khi gần 3.900 tỷ đồng còn lại do Ban QLDA 6 phụ trách tập trung chủ yếu ở 5 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, gồm Nghi Sơn-Diễn Châu (600 tỷ đồng), Diễn Châu-Bãi Vọt (701 tỷ đồng), Vũng Áng-Bùng (960 tỷ đồng), Bùng-Vạn Ninh (822 tỷ đồng), Dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hoà-Buôn Ma Thuột (670 tỷ đồng).
Các dự án này đều đang chậm giải ngân do tiến độ giải phóng mặt bằng của địa phương. Ban QLDA 6 đang tích cực đề nghị các địa phương đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục, sớm tháo gỡ các vướng mắc trên để các dự án tăng tốc.
Ban QLDA 2 cho biết, trong tổng kế hoạch vốn đơn vị được giao năm 2023, có hơn 7.100 tỷ đồng là vốn phục hồi được bố trí cho dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. Đến nay, sản lượng giải ngân vốn phục hồi cho dự án đạt hơn 4.460 tỷ đồng (gần 63%). Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng dự án bị chậm so với kế hoạch, lượng vốn bố trí giải phóng mặt bằng cho các địa phương dự báo không đạt như yêu cầu.
Đại diện Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT) cho rằng, dù kết quả giải ngân của Bộ GTVT thường xuyên được duy trì ở mức cao hơn mức trung bình chung của cả nước, song nhiệm vụ trước mắt còn nặng nề khi sản lượng trong những tháng cuối năm 2023 còn hơn 45.000 tỷ đồng.
Riêng tháng 9/2023, kế hoạch các chủ đầu tư, ban QLDA đăng ký khoảng hơn 7.400 tỷ đồng. Ngoài việc hoàn thành kế hoạch giải ngân từng tháng cần phải có giải pháp đẩy mạnh giải ngân để bù phần bị chậm trong 8 tháng đầu năm (khoảng 3.000 tỷ đồng).
Thực hiện mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đăng ký và quyết tâm phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Bộ GTVT là đã giao là phải giải ngân, phải tìm mọi giải pháp, có phương án điều hòa vốn hợp lý trong nội bộ các dự án của từng đơn vị.
Phan Trang