Cuộc “săn” tìm bất động sản giảm giá không chỉ có những nhà đầu tư chuyên nghiệp mà ngay cả nhà đầu tư tay ngang cũng đang vội vã tìm kiếm cơ hội mới. Thế nhưng, nếu không cẩn trọng, nguy cơ sập vào bẫy cắt lỗ rất lớn. Tác…
Tác động lãi suất gia tăng cộng với hàng loạt chính sách điều chỉnh khiến thị trường địa ốc đã dần rơi vào trạng thái trầm lắng. Tín hiệu rõ rệt nhất của giai đoạn khó chồng khó chính là lượng giao dịch sụt giảm mạnh.
Không ít nhà đầu tư bắt đầu cho hành trình tìm kiếm bất động sản đẹp, giá tốt khi họ cho rằng, sẽ có những nhà đầu tư không thể chịu được áp lực vốn vay lớn, buộc phải thoát hàng để trang trải nợ nần.
Thế nhưng, để tìm kiếm bất động sản “cắt lỗ” chất lượng trong giai đoạn hiện tại không phải điều dễ dàng. Ông Trần Quân (lãnh đạo sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội) kể: “Khoảng chừng 2-3 tuần trở lại đây, nhiều nhà đầu tư tay ngang liên hệ với môi giới để tìm hàng “cắt lỗ”. Nhưng họ thường rơi vào 2 trường hợp. Một là mua hàng “cắt lãi”. Hoặc mua phải hàng “cắt lỗ” giá rẻ nhưng lại là sản phẩm kém chất lượng. Đúng như dân gian hay có câu “của rẻ là của ôi”.
Vị này dẫn hai câu chuyện điển hình mà ông Quân chứng kiến. “Một khách hàng của tôi 5 ngày trước đến khoe mua được lô đất “cắt lỗ” ở Long Biên. Chị khách phấn khởi vì mua được giá rẻ. Chị khách kể lại, thời điểm lướt trên mạng xã hội, thấy một tài khoản đăng bán cắt lỗ nhanh lô đất vì chủ nhà cần tiền gấp để trả nợ.
Sau khi liên hệ, chị đã qua làm việc và đánh giá lô đất đẹp. Thấy môi giới kể, chủ nhà đang rất cần tiền và mức giá hiện tại đã giảm, khó tìm được mảnh đất nào giá tốt như vậy. Chưa kể, nếu không mua ngay, chắc chắn có người khác xuống tiền sớm. Thấy môi giới giục, chị khách cọc tiền luôn và chủ nhà gia lộc 20 triệu đồng, bỏ qua khâu kiểm tra mặt bằng giá chung thị trường.
Thế nên, khi nhân viên bên tôi kiểm tra lại, tính toán ra, lô đất đó lại hoá đắt so với mặt bằng chung của thị trường. Giá lô đất chị khách mua tương đương với giá của một số lô đất đẹp hơn, hai ô tô tránh nhau, ngõ nông. Chị khách mua tưởng rẻ hoá lại đắt. Đây chính là cách đánh vào tâm lý của người mua bằng việc tạo ra câu chuyện cắt lỗ, cần tiền trả nợ phải giao dịch nhanh, không thương lượng”.
Một câu chuyện khác mà ông Quân dẫn chứng thêm, đó là vị khách đến từ Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng vội vàng xuống tiền mua lô đất giá rẻ ở khu vực An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Vì tưởng chủ nhà cần tiền trả nợ nên khách mua gấp, bỏ qua các khâu kiểm tra quy hoạch, hoặc vấn đề tranh chấp cũng như sổ đỏ có vấn đề gì. Đến khi đưa sổ đỏ cho chúng tôi, mới biết hoá ra lô đất bị thóp hậu nhỏ. Hoá ra đây là lý do mà lô đất rẻ như vậy”.
Theo các chuyên gia, thị trường đang xuất hiện quảng cáo rao bán cắt lỗ và tâm lý người mua tìm kiếm lô “đất ngộp”. Nếu mua được loại đất này thì cơ hội lời rất lớn. Nhưng thực tế, có nhiều trường hợp giả cắt lỗ. Và nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư có thể rơi vào nạn nhân bị “ngộp” tiếp theo. Đây chính là lý do mà nhà đầu tư cần lựa chọn sản phẩm có tính pháp lý đầy đủ, tránh bất động sản tranh chấp, vị trí tốt, khả năng thanh khoản cao.
Bà Trương Lệ Tâm, Quản lý kinh doanh của Batdongsan.com.vn cũng khuyến nghị nhà đầu tư vẫn cần tỉnh táo lựa chọn kỹ càng khi đi săn hàng “ngộp”.
Theo bà Tâm, thị trường thứ cấp đang xuất hiện làn sóng xả hàng ngộp. Nhiều bất động sản chưa chuẩn pháp lý cần bán gấp hoặc đuối vốn cần thoát hàng sẽ có giá mềm hơn giá thị trường. Vị chuyên gia này cho rằng, số ít trong đó là những quảng cáo mang tính “làm màu” để tạo tương tác. Mốt số rao bán chỉ xem như cắt lời, chưa thực sự bán lỗ hay chạm giá gốc.
Thế nên nhiều tin cắt lỗ sâu phần nhiều là bán hoà vốn thậm chí có lãi nếu khấu trừ các ưu đãi lúc đầu của chủ đầu tư và chiết khấu mua lúc đầu. Bà Trương Lệ Tâm khuyến nghị, những sản phẩm cắt lỗ thật thì rất có thể do dính dáng đến yếu tố pháp lý hay chất lượng dự án. Nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến của thị trường, tra xét kỹ lưỡng vấn đề pháp lý, tiềm năng, giá thực tế của sản phẩm định mua. Đồng thời tránh lời ảo từ thông tin rao cắt lỗ đưa ra.
Vị này đưa ra lời khuyên, cần tỉnh táo khi đi săn hàng cắt lỗ, không nên ham rẻ mà mua sản phẩm không phù hợp. Yếu tố pháp lý, chất lượng, tiện ích cần phải tính toán đi kèm, tránh trường hợp mua rẻ nhưng tốn chi phí sửa sang, thiếu tiện ích, an ninh.
Nhịp sống thị trường