Phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với du lịch
Đó là chia sẻ của ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My với các phóng viên nhân dịp diễn ra Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ V và Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện (1-8-2003/1-8-2023).
Ông cho biết, hiện số lượng xã trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện tăng nhanh chóng từ ban đầu chỉ có 1 xã Trà Linh trồng loại dược liệu quý hiếm này.
Theo quy hoạch của huyện, diện tích trồng sâm Ngọc Linh là trên 15.500ha trên 7/10 xã. Nhưng trên thực tế, trên địa bàn huyện đã có 9 xã trồng sâm và nhiều cây dược liệu khác, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam (bên phải) tặng huyện Nam Trà My cờ có dòng chữ “Đoàn kết – Vượt khó – Phát triển” tại Lễ khai mạc. |
Có thể thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My. Người dân nơi đây, không chỉ đồng bào dân tộc thiểu số mà cả người Kinh, nhờ trồng sâm, bán sâm mới có tiền xây những ngôi nhà khang trang, to đẹp, mua ô tô, con cái có điều kiện học hành tốt hơn. 1.600 hộ trồng sâm hiện nay ở huyện hầu hết đều khá giả.
“Nhờ cây sâm Ngọc Linh, người dân Nam Trà My không chỉ xóa đói, thoát nghèo mà còn bắt đầu làm giàu. Thậm chí ở Trà Linh còn xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú”, ông Trần Duy Dũng cho biết.
Lễ rước sâm Ngọc Linh và cúng thần Sâm tại Lễ khai mạc. |
Tại Phiên chợ Sâm Ngọc Linh, dược liệu và hàng nông sản đặc trưng được tổ chức nhân dịp Lễ hội sâm Ngọc Linh, chị Trần Hải Thủy, xã Trà Linh cho biết, kinh tế gia đình, việc học hành của con cái được bảo đảm hơn nhiều từ khi tham gia trồng sâm. Nhà chị Thủy bắt đầu trồng sâm được hơn 8 năm, bán chủ yếu cho doanh nghiệp, người dân mua về sử dụng bồi bổ sức khỏe…
Gia đình cha con ông Hồ Văn Dũng, người dân tộc Xơ Đăng cũng vậy. Con trai ông là Hồ Văn Báo, 33 tuổi, cùng ông tham gia trồng sâm, giờ đây, gia đình anh có cuộc sống rất khá giả, con cái được ăn học đầy đủ. Anh Hồ Văn Báo tâm sự: “Phải cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, trồng sâm có tiền nhưng vẫn phải có cái chữ nữa mới biết cách làm ăn và bán sâm tốt hơn”.
Cả anh Hồ Văn Báo và chị Trần Hải Thủy đều chia sẻ những khó khăn, vất vả của người trồng sâm vì phải trồng trên núi, gió báo, thời tiết lạnh nên “nâng niu từng cây sâm như chính con mình vậy”.
Đảng uỷ, chính quyền huyện Nam Trà My xác định trong thời gian tới tiếp tục thúc đẩy kinh tế phát triển nông lâm nghiệp, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng từ cây lúa, cây keo, sang cây dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh, quế Trà My; xác định tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo.
Ông Dũng cho biết thêm, thời gian tới, huyện định hướng tiếp tục phát triển cây dược liệu, gắn với trồng rừng cây gỗ lớn để vừa phát triển kinh tế dưới tán rừng, vừa bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch trong tương lai.
Ông Dũng cho biết, Lễ hội Sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My dự kiến sang năm 2024 sẽ được tổ chức ở quy mô quốc gia, hướng tới quy mô quốc tế trong tương lai nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh cây sâm, giá trị cây sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới đến với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế .
Đây cũng là cơ hội để bà con cũng như doanh nghiệp địa phương có điều kiện giao lưu hàng hóa, ngoài cây sâm Ngọc Linh còn có những mặt hàng nông sản đặc trưng bản địa khác, qua đó vừa nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, vừa để người dân biết cách làm ăn, buôn bán.
Thông qua Lễ hội sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My mong muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số. |
Mục tiêu quan trọng nữa, theo Chủ tịch UBND huyện Trà My, đó là qua lễ hội sâm mong muốn bảo tồn, phát huy và giới thiệu bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương như múa cồng chiêng, trò chơi truyền thống, nhạc cụ và những làn điệu dân ca…, qua đó hướng tới phát triển du lịch cộng đồng và bà con làm quen với làm du lịch gắn với phát triển trồng cây sâm.
Thúc đẩy chế biến sâu tăng giá trị cây sâm
Nhằm thúc đẩy hơn nữa giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh mang lại cho địa phương, huyện Nam Trà My chủ trương thu hút các doanh nghiệp tham gia trồng, phát triển và chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Nam Trà My nói riêng đang hấp dẫn ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới khảo sát và tìm kiếm cơ hội làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh. Hiện trên địa bàn huyện có 18 doanh nghiệp đã tham gia trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh và 1 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu.
Sâm Ngọc Linh được bày bán tại Phiên chợ trong khuôn khổ Lễ hội sâm Ngọc Linh. |
Ông Trần Duy Dũng nhấn mạnh, huyện Nam Trà My đặc biệt mong muốn có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu như một giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị gia tăng cho cây sâm Ngọc Linh, giúp lan tỏa giá trị của cây sâm Việt Nam không chỉ ở thị trường trong nước mà ra thế giới. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ chế biến các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung. Hiện nay đã có một số sản phẩm được chế biến từ cây sâm Ngọc Linh nhưng chưa nhiều, khâu phân phối chưa đa dạng hình thức nên giá trị của cây sâm Ngọc Linh bản địa Nam Trà My vẫn chưa được biết tới nhiều.
Theo ông Lê Thanh Hưng, Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ trên địa bàn huyện đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810ha, với khoảng hơn 3 triệu cây; các nhà khoa học đã tập trung đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm. Nhưng điều quan trọng hơn đó là người trồng sâm đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Duy Dũng khẳng định, trồng sâm mang lại “lợi ích kép”, không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong bảo vệ môi trường bền vững, bảo vệ rừng. Trước đây, khi chưa có cây sâm, họ phá rừng làm rẫy tìm kế sinh nhai. Còn khi đã trồng sâm, họ không gây tổn hại đến rừng nữa, mà trái lại bảo vệ rừng tốt hơn, thậm chí còn trồng thêm rừng, nhằm tạo môi trường tốt nhất để trồng sâm và các cây dược liệu khác như có độ ẩm, độ mát và che phủ lớn.
Theo các nhà khoa học và kinh nghiệm nhiều năm, cây sâm Ngọc Linh phải được trồng ở độ cao từ 1.200m trở lên và dưới tán cây rừng mới bảo đảm được dược tính và phát triển ổn định.
Sâm Ngọc Linh và một số sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh thu hút sự quan tâm của khách hàng tại phiên chợ. |
Sức bật kinh tế của địa phương nhờ cây sâm là nhờ triển khai hiệu quả của các chương trình hỗ trợ phát triển dành cho bà con dân tộc thiểu số của Chính phủ cũng như của tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My – nơi có tới 97% dân số là người dân tộc thiểu số. Trong đó phải kể tới chương trình hỗ trợ vốn 80% cho người dân trồng sâm, đối ứng 20%. Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, góp phần tạo cú huých mạnh mẽ để cây sâm Việt Nam phát triển và vươn xa hơn.
Nhưng hiện có một số trở ngại để phát triển hơn nữa trồng sâm ở Nam Trà My mà một trong số đó là “vướng” một số quy định về rừng đặc dụng của Luật Lâm nghiệp. Theo đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Luật Lâm nghiệp quy định rừng đặc dụng sẽ không được tác động vào, nên tạo rào cản cho người dân và doanh nghiệp khi tổ chức trồng sâm, loại dược liệu quý vốn chỉ ưa sống dưới những tán rừng đặc dụng rậm rạp, cũng như khiến địa phương gặp trở ngại khi thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế dưới tán rừng. Theo ông, để phát triển thành một ngành công nghiệp sâm với cây sâm Ngọc Linh là chủ lực ở địa phương, thì ngoài việc phải tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong quy định pháp luật hiện hành thì cần ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển dược liệu, tiếp cận vốn vay ưu đãi để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm của sâm Ngọc Linh.
Tối 1-8, tại huyện Nam Trà My đã khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ V và Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện (1-8-2003/1-8-2023). Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: Cuộc thi “Ảnh nghệ thuật về các loại cây dược liệu, thiên nhiên, vùng đất, văn hóa và con người Nam Trà My năm 2023”; Liên hoan tiếng hát các ca khúc về Nam Trà My, về sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam của cán bộ, công nhân viên chức – lao động, lực lượng vũ trang, nhân dân và doanh nghiệp; Liên hoan nghệ thuật cồng chiêng; Trưng bày, triển lãm ảnh nghệ thuật về sâm Ngọc Linh, cây dược liệu và thắng cảnh, văn hóa của Nam Trà My; Phiên chợ sâm Ngọc Linh, dược liệu và hàng nông sản đặc trưng; Hội thi sâm Ngọc Linh,… Người dân trồng sâm đã chọn những củ sâm đẹp nhất tại vườn nhà để tham dự Hội thi Sâm Ngọc Linh lần thứ 5. Kết quả cây sâm Ngọc Linh 45 tuổi đã được chốt giá 75 triệu ngay tại hội thi. Chương trình bế mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ V và Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Nam Trà My sẽ diễn ra vào ngày 3-8 tại Trung tâm giới thiệu, tổ chức hội chợ, phiên chợ sâm Ngọc Linh. |
Bài và ảnh: MỸ HẠNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.