Đại hội FIATA (FWC) là một sự kiện quốc tế mang lại cơ hội kinh doanh, xã hội và kết nối cũng như tương tác với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Trong ba ngày diễn ra hội nghị, từ 4 đến 6-10, các diễn giả nổi tiếng thuyết trình, cũng như có các cuộc thảo luận về các vấn đề thời sự và chính sách. 

Với chủ đề “Khí hậu đang thay đổi ngành logistics”, Đại hội Thế giới FIATA 2023 đề cập đến những thách thức, đổi mới và phát triển mới nhất trong một thị trường toàn cầu đang thay đổi. FWC 2023 sẽ tập trung vào các xu hướng mới trong lĩnh vực logistics toàn cầu, giáo dục, sự tuân thủ, tính đa dạng và trách nhiệm của ngành logistics trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tham gia sự kiện này, đoàn Việt Nam mong muốn quảng bá rộng rãi về FWC 2025 sẽ diễn ra tại Việt Nam, thu hút các công ty đăng ký tham gia, cũng như tiếp cận các doanh nghiệp logistics của Bỉ, quốc gia mạnh về lĩnh vực này, cũng như của thế giới.

 Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đang hoạt động tốt, tăng trưởng hàng năm. Ảnh:LAODONG.VN

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký VLA cho biết điều hiệp hội mong chờ tại hội nghị này là xúc tiến quảng bá cho FWC 2025 và thu hút khách hàng, giúp các hội viên có điều kiện tiếp cận với tất cả các công ty logistics trên thế giới và cố gắng liên hệ với Hiệp hội Logistics Bỉ cũng như chính quyền vùng Flanders để trao đổi, thảo luận các giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Bỉ có thể hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa vì Bỉ là trung tâm của châu Âu cũng là một trung tâm thương mại của châu Âu và châu Phi. Ông Nguyễn Duy Minh mong muốn các công ty dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam có thể liên danh với các đối tác Bỉ  để thành lập một trung tâm logistics Việt Nam tại Bỉ. Đây sẽ là cơ hội rất là tốt để có thể giảm giá thành vận chuyển góp phần đẩy mạnh hàng hóa Việt Nam vào châu Âu cũng như trung chuyển đến châu Phi.

Ông Anis Khan, Giám đốc điều hành của công ty Intrapass GmbH, có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết năm ngoái ông đã tới Việt Nam và nhận thấy những tiềm năng to lớn của ngành logistics ở đất nước này. Đặc biệt, các hoạt động hậu cần cũng được chính phủ ủng hộ, hỗ trợ. Đây chính là những thuận lợi để Việt Nam phát triển mạnh ngành dịch vụ logistics.

Đánh giá về triển vọng của lĩnh vực này ở Việt Nam, ông Stéphane Graber, Tổng Giám đốc FIATA, cho biết ông vừa có chuyến khảo sát ở Việt Nam mùa Hè vừa qua để chuẩn bị cho FWC tổ chức ở Việt Nam trong hai năm tới. Sau đại dịch Covid-19, một số hoạt động nhất định đang được phân bổ lại ở châu Á và một trong những điểm đến của hoạt động logistics là Việt Nam. Do ngày càng có nhiều hoạt động sản xuất được thực hiện ở Việt Nam nên Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành hậu cần. Ngoài ra, Việt Nam không chỉ được hưởng lợi từ tất cả các phương thức vận tải hàng không, hàng hải, đường sắt mà còn cả đường sông – là những lợi thế để xây dựng một trung tâm hậu cần của khu vực.

Theo ông Stéphane, Việt Nam đang áp dụng các thông lệ tốt nhất trong phát triển logistics, có nhu cầu thực sự về phát triển, chuyên môn và đào tạo nội bộ. Ông cho biết thêm FIAT sẽ phối hợp với VLA để đào tạo về hậu cần.

Để phát triển ngành logistics, ông Tổng Thư ký Lê Duy Minh cho rằng cần sự quan tâm của chính phủ, cần phải có những tác động tới xã hội về tầm quan trọng của dịch vụ hậu cần. Riêng VLA đã rất nỗ lực bằng nguồn lực xã hội hóa của mình chủ động cùng với các hội viên vận động từ năm 2019 tại Capetown (Nam Phi), năm 2022 tại Busan (Hàn Quốc) mới đạt được thành công giành quyền đăng cai tổ chức FWC.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu và nhiều nhà máy chuyển sản xuất sang Việt Nam đã tạo thuận lợi cho ngành logistics. Ngoài ra, các hiệp định thương mại thực hiện với 16 nước, cùng với lợi thế, tiềm năng thương mại với Mỹ là những lợi thế cho thấy ngành dịch vụ hậu cần Việt Nam chắc chắn sẽ có cơ hội lớn.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.