Hội thảo nằm trong khuôn khổ năm Đa dạng sinh học Quốc gia với chủ đề “Chung sống hài hòa với thiên nhiên” do UBND tỉnh Quảng Nam đăng cai nhằm chia sẻ với các bên liên quan về thực trạng đa dạng sinh học, tài nguyên rừng cũng như tiềm năng và tiến trình xây dựng đề án thí điểm carbon, phục hồi rừng tại Quảng Nam.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội thảo.

Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn của Việt Nam. Rừng và đa dạng sinh học ở Quảng Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực, chống xói mòn đất, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng thích ứng cho các cộng đồng.

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Út, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam cho biết, trước thực trạng trên, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó, tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch lâm nghiệp, giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng gắn với phát triển miền núi và nâng cao đời sống người dân dựa vào rừng. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) giai đoạn 2020 – 2030.

UBND tỉnh Quảng Nam đã nghiên cứu, lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, lập báo cáo đánh giá khả thi về cơ hội đầu tư vào carbon từ REDD+ và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, người mua tiềm năng. Tuy nhiên, Đề án vẫn chưa được phê duyệt, vẫn còn một số hạn chế về mặt kỹ thuật cũng như vướng mắc về pháp lý.

Rừng và đa dạng sinh học ở Quảng Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. 

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang nỗ lực hoàn thiện về hồ sơ để tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án của tỉnh hoặc tham gia vào các dự án carbon vùng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra.

Tại Hội thảo, đại diện Cục Kiểm lâm, Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức cũng như một số giải pháp đối với thương mại carbon trong lâm nghiệp, khung pháp lý, hướng dẫn về đầu tư, chia sẻ lợi ích, cơ chế phối hợp với các bộ ngành, địa phương; quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ carbon…

Tin, ảnh: NGÂN HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.