Theo chân bà Bàn Thị Ngân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hợp Phát, thôn Nặm Làng, xã Đức Vân thăm đồi dẻ ván của gia đình, bà Ngân chia sẻ: “Cứ tầm tháng 8, hạt dẻ bắt đầu chín, cho thu hoạch lác đác. Bởi cây to cao nên khó hái trực tiếp, phải đợi hạt tự rụng hoặc trèo lên cây rung, nếu hái non, hạt dẻ sẽ không ngon, dễ thối. Giá bán hạt dẻ mấy năm nay ổn định từ 90.000 đến 110.000 đồng/kg hạt tươi. Sản lượng chưa nhiều nên không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường”.

Vườn dẻ của bà Bàn Thị Ngân.

Gia đình bà Ngân trồng dẻ ván từ năm 2006. Cây hợp đất, phát triển tốt. Năm 2019, bà Ngân đứng ra thành lập HTX Hợp Phát. Hiện, HTX có 21 thành viên với hơn 50ha diện tích trồng dẻ, trong đó có 9ha trồng tập trung của các thành viên HTX, nhiều diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch. Hạt dẻ ván của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020 và tham gia dự án sản xuất dẻ ván theo tiêu chuẩn hữu cơ hơn 5ha. Đây là cơ sở để hạt dẻ ván của HTX khẳng định thương hiệu, uy tín và vươn xa ra nhiều thị trường.

Hiệu quả kinh tế từ cây dẻ ván đã được khẳng định và hạt dẻ trở thành sản phẩm đặc hữu của địa phương. Vì vậy, để xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, huyện Ngân Sơn đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh huyện Ngân Sơn giai đoạn 2021-2025”, phấn đấu trồng mới 100ha tại các xã: Cốc Đán, Thượng Ân, Bằng Vân, Đức Vân và thị trấn Nà Phặc.

Đồng chí Nông Văn Hoạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn cho biết: “Hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện đều quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; từ đó góp phần mở rộng thị trường, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững và nâng cao thu nhập cho bà con, từng bước xây dựng thành vùng trồng tập trung”. 

Bài và ảnh: LINH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.