Hội nghị nhằm chia sẻ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong công tác phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn; thảo luận về các giải pháp phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn, hoàn thiện chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm, giải pháp công nghệ số, giải pháp bảo đảm an ninh an toàn thực phẩm trong các hệ thống, cơ sở kinh doanh thực phẩm…
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tham luận tại hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, kịp thời có văn bản hướng dẫn, giải đáp thắc mắc trong quá trình triển khai; thực hiện tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm ngành Công Thương; tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn nhằm kết nối nguồn hàng thực phẩm bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối tại địa phương.
Các ý kiến trao đổi tại hội nghị. |
Trao đổi tại hội nghị, các ý kiến cho biết, hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa), nhất là thực phẩm tươi sống. Thống kê cho thấy, cả nước có 8.517 chợ, hơn 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại.
Trong số đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay, để bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ gồm tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp về thu hồi, giám sát và xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm có khuyết tật lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng, đề xuất biện pháp phù hợp với thực tế để phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái.
Tin, ảnh: NGUYỄN MAI ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.