Đồng chí Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: Với đặc thù đô thị “nén”, quy mô dân số hơn 10 triệu người, việc áp dụng mô hình TOD được xem là chìa khóa giúp TP Hồ Chí Minh tạo đột phá trong phát triển giao thông công cộng gắn với phát triển đô thị bền vững. Mô hình này được nhiều nước phát triển áp dụng, tạo hiệu quả cao trong triển khai dự án, thu hút nguồn vốn đầu tư… Quỹ đất hai bên các tuyến giao thông được khai thác, đấu giá để huy động nguồn vốn cho dự án, phục vụ vận hành… Thành phố đang rà soát quy hoạch, thu hồi, đấu giá đất khu vực gần ga metro số 1, nút giao vành đai 3 để phát triển các đô thị liền kề, kết nối đồng bộ với giao thông công cộng.
Trước mắt, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai thí điểm mô hình TOD ở hai dự án: Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và dự án vành đai 3. Tiếp sau đó, từ kinh nghiệm ở hai dự án này sẽ được nghiên cứu nhân rộng cho các tuyến đường sắt đô thị số 2, số 3, các tuyến vành đai 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài…
Công trình giao thông kết nối với các đô thị là mục tiêu của mô hình TOD khi triển khai tại TP Hồ Chí Minh. |
Để thực hiện tốt mô hình TOD đòi hỏi thành phố phải giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan từ xây dựng kế hoạch, bổ sung quy hoạch, xác định quỹ đất hai bên các dự án, tính toán sử dụng nguồn ngân sách làm dự án đầu tư công độc lập, quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội… Từ tháng 8-2023 đến nay, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã tiến hành rà soát quy hoạch trên địa bàn và tính toán, đưa vào kế hoạch các khu đất có thể phát triển theo mô hình TOD gắn với các dự án hạ tầng giao thông công cộng. Theo đồng chí Hà Minh Tân, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè, trên địa bàn huyện trước đây thực hiện dự án đường Nguyễn Hữu Thọ, đã thực hiện đền bù và thu hồi đất dọc hai bên tuyến đường này để bán đấu giá, thu hút doanh nghiệp đầu tư dự án đô thị theo quy hoạch. Hình thức này chỉ có một số điểm tương đồng với mô hình TOD nhưng cho thấy hiệu quả đạt được rất lớn. Qua đó cho thấy, nếu triển khai mô hình TOD thì ngay từ quy hoạch cần xác định các khu vực, chỉ tiêu cơ bản quỹ đất phát triển khu thương mại, công trình phục vụ giao thông, đô thị, khu công cộng… Sau khi đấu giá, doanh nghiệp chủ động triển khai dự án và chịu trách nhiệm bảo đảm đúng quy hoạch.
Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, đề xuất cần sớm triển khai mô hình TOD để phát triển đô thị bền vững cho TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi triển khai cần phải bảo đảm các đô thị TOD gắn với quy hoạch và kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống giao thông của TP Hồ Chí Minh cũng như liên kết vùng, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại.
Nhiều chuyên gia khi đánh giá về mô hình TOD đối với sự phát triển TP Hồ Chí Minh đã cho rằng, điểm khác biệt và thuận lợi từ mô hình TOD so với trước đây là khi triển khai, quy hoạch phát triển các dự án, các nút giao thông, tuyến đường các dự án thì được UBND TP Hồ Chí Minh điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đấu giá đất tiếp giáp với dự án giao thông. Các dự án trước đây khi triển khai chỉ thu hồi đất thuộc phạm vi của dự án. Hạn chế đó khiến cho việc đấu nối hạ tầng giao thông, công trình phục vụ, điểm dân cư, khai thác quỹ đất hai bên hành lang dự án bị “tách rời” với dự án, không được khai thác hết giá trị, không khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn. Mô hình TOD được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội rất lớn để TP Hồ Chí Minh phát triển hạ tầng giao thông gắn với phát triển đô thị. TP Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh các bước, rà soát và mạnh dạn áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để triển khai các bước, sớm hình thành diện mạo đô thị hiện đại gắn với hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Bài và ảnh: TRUNG KIÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.