Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Hà Nội đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, luôn kiên cường đấu tranh, bền bỉ lao động, sáng tạo, lập nên những chiến công hiển hách, cùng toàn dân viết nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc, xây đắp nên truyền thống Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng. Trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân TP Hà Nội luôn đoàn kết, đồng lòng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, chung sức phát triển Thủ đô “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước.

Phát huy truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập. Nhưng thực dân Pháp đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 19-12-1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thủ đô Hà Nội với tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến lũy, mỗi người dân là một chiến sĩ”, đã nổ súng mở đầu cho toàn quốc kháng chiến, kiên cường, bất khuất, dũng cảm chiến đấu 60 ngày đêm giam chân và tiêu hao sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ, tạo điều kiện để cả nước có thời gian chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài.

Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, quân và dân Thủ đô đã kiên cường trụ vững, thực hiện nhiều trận đánh tiêu biểu, với nhiều hình thức đấu tranh sáng tạo, hiệu quả, căng kéo, phân tán, làm tiêu hao sinh lực địch; làm nên những chiến công hiển hách trong trang sử vàng chói lọi của dân tộc, để lại nhiều kinh nghiệm quý về chiến tranh nhân dân, làm phong phú nghệ thuật quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam và Thăng Long-Hà Nội; góp phần to lớn cùng toàn dân làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và rút quân khỏi miền Bắc nước ta.

Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị Quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn ca khúc khải hoàn tiến vào tiếp quản Thủ đô. Hàng vạn người dân Hà Nội chào đón đoàn quân giương cao ngọn cờ “Quyết chiến quyết thắng” trở về. Đó là những hình ảnh mãi khắc ghi trong tim người Hà Nội với niềm tự hào bất diệt. Ngày 10-10-1954 đi vào lịch sử như một mốc son đánh dấu thắng lợi của dân tộc Việt Nam trước thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, khắc ghi dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long-Hà Nội. Cuộc kháng chiến giữa lòng Thủ đô làm phong phú thêm kinh nghiệm lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, đúc kết sâu sắc bài học quý về đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, chăm lo bồi dưỡng lực lượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đi tới thành công. Thủ đô từ đây phấn khởi, tự hào đi vào xây dựng xã hội mới, xã hội chủ nghĩa.

Không gian đô thị Hà Nội luôn kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Ảnh: TUẤN HUY 

Đoàn kết, đồng lòng, xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại

Ngay trong những ngày đầu trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thực hiện lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tiếp tục lập nên những chiến công cả trên mặt trận chống quân xâm lược và mặt trận lao động sản xuất.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là hậu phương lớn cho tiền tuyến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã phát động và đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua như: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt… đẩy mạnh sản xuất, cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm phục vụ quốc phòng, phục vụ đời sống, góp phần đưa Thủ đô trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hàng chục vạn người con ưu tú của Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại khắp các chiến trường. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, bằng bản lĩnh và tài trí Việt Nam, quân dân Hà Nội cùng các quân chủng, binh chủng và các địa phương đã phối hợp làm nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 trên bầu trời Hà Nội-kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, để Hà Nội trở thành “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris “về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam”, tạo nền tảng đưa đất nước ta đến Đại thắng mùa Xuân 1975.

Non sông thu về một mối, Hà Nội với sứ mệnh là Thủ đô, trái tim của cả nước tiếp tục cùng các tỉnh, thành phố nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn về đời sống kinh tế. Dưới ánh sáng của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, gần 40 năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Bài học truyền thống tự hào giải phóng Thủ đô năm xưa tiếp tục được khắc ghi, vun đắp thêm những giá trị mới tỏa sáng niềm tin chân lý.

Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, với tinh thần đổi mới quyết liệt, thành phố tiếp tục có bước phát triển toàn diện. Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đã đóng góp quan trọng vào thành quả chung của cả nước. Thành phố có nhiều mô mình kinh tế mới, cách làm mới, sáng tạo, nổi bật là công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thân thiện, phục vụ, mở rộng xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, ứng dụng khoa học-công nghệ 4.0. Hệ thống hạ tầng tiếp tục được đầu tư mạnh, nhất là các tuyến vành đai 2, 3 và các trục xuyên tâm. Hệ thống quy hoạch đã cơ bản được hoàn thiện đầy đủ, là căn cứ quan trọng để xây dựng và quản lý.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đi vào hoạt động góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông ở một trong những trục giao thông tấp nập nhất. 

Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của Chính phủ sau đại dịch Covid-19, đẩy mạnh các chương trình phát triển KT-XH trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố thường xuyên tăng trên 6%, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của thành phố. Các yếu tố của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển đồng bộ. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cũng như ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước.

Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, thành phố đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ bảy, Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố đã tập trung định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô, vừa là những cực tăng trưởng mới, vừa giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô. Thành phố Bắc sông Hồng bao gồm 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài. Thành phố phía Tây Hà Nội khu vực Hòa Lạc-Xuân Mai, lấy Khu công nghệ cao Hòa Lạc là hạt nhân. Nhiều công trình thuộc hệ thống hạ tầng giao thông khung của thành phố đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. Tiêu biểu như đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu vượt nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch. Đặc biệt, thành phố triển khai xây dựng Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, tạo nên không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô.

Thành phố tiếp tục hoàn thiện Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đặt ra 27 chỉ tiêu về chính quyền số với 100 nhiệm vụ; 7 chỉ tiêu về kinh tế số với 77 nhiệm vụ; 14 chỉ tiêu về xã hội số với 6 nhiệm vụ và các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học-công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế, đo lường, giám sát, triển khai, giảm thiểu tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các hệ thống lớn, dùng chung toàn thành phố như hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính… Hà Nội cũng là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch điện tử.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đã có nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa được tổ chức thành công, trong đó đáng chú ý như: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023; Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa-Monsoon Music Festival 2023; Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô năm 2023; Lễ hội Du lịch tặng quà Hà Nội 2023; Chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đêm Hoàng thành Thăng Long; tham gia phục vụ tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9; Liên hoan phim quốc tế Hà Nội… Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước tiên phong trong phát triển công nghiệp văn hóa nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển KT-XH của Thủ đô.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã có những chuyển biến tích cực. Với tinh thần “kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương, từng bước khắc phục tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đồng thời khuyến khích, động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Tổ chức bộ máy chính quyền được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã có bước tiến mạnh mẽ, nền tảng chính quyền điện tử dần được hình thành. Thủ tục hành chính được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới một nền hành chính phục vụ, vì dân.

Cùng với phát triển KT-XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả rõ rệt. Trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, trong đó Công an thành phố đóng vai trò nòng cốt, chủ trì, phối hợp ngăn chặn hàng loạt chiến dịch chống phá của các tổ chức phản động, lưu vong người Việt; ngăn chặn hiệu quả sự liên kết trong-ngoài của các đối tượng, không để móc nối, tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, các lực lượng chức năng đã bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn Thủ đô.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, tư duy mới về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, những năm qua, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện công tác quân sự, quốc phòng. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về việc ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, hướng dẫn công tác quân sự, quốc phòng địa phương; đẩy mạnh kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thực hiện tốt kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, gắn với củng cố thế trận, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ, LLVT thành phố vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trong thực hiện công tác quân sự, quốc phòng không ngừng được nâng lên, tạo cơ chế thuận lợi huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực kinh tế, nguồn lực khoa học-công nghệ vào xây dựng các tiềm lực khu vực phòng thủ, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô cả trước mắt và lâu dài.

Nhận thức được những thách thức và cơ hội trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô: khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, về phân cấp, ủy quyền, về tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Điều này không chỉ giúp Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn lực xã hội, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến quy hoạch, xây dựng và bảo vệ môi trường sẽ là những yếu tố quan trọng giúp thành phố quản lý tốt hơn các hoạt động đô thị, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển KT-XH; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai… Bảo đảm các cân đối lớn, duy trì tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo động lực tăng trưởng mới; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội.

Đặc biệt, thành phố sẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như hệ thống đường sắt đô thị; Đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, các cầu vượt sông, các nút giao thông cửa ngõ… Hoàn thành hạ tầng thông tin, hạ tầng số, bảo đảm kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu trong chỉ đạo điều hành. Đưa vào vận hành chính thức: Trung tâm dữ liệu lớn; hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng… từng bước cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đất nước đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Hòa cùng dòng chảy phát triển chung đó, Hà Nội phải luôn nỗ lực cao hơn, tiếp tục thực hiện tốt hơn lời nhắn nhủ của Bác Hồ kính yêu, phấn đấu làm tấm gương mẫu mực, tiêu biểu cho cả nước. Cả nước luôn hướng về Hà Nội với niềm tin yêu và nhiều mong muốn, kỳ vọng. Hà Nội-Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân trong tương lai gần, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đề ra, thực sự đóng vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đó là một Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững, một Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị thế “trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”.

Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng, Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước; làm nên một “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Hơn lúc nào hết, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô cần khơi dậy tinh thần tự hào, tự tin, tự trọng, tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội; tuyên truyền trong nhân dân, giáo dục thế hệ trẻ thấy rõ trách nhiệm với Hà Nội; đoàn kết, chung sức, đồng lòng kiến thiết, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, hiện đại.

Đồng chí TRẦN SỸ THANH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.