Năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư công của tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ giao là 6.459,9 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách Trung ương là 611,3 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 5.848,5 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công tác nghiệm thu, thanh, quyết toán khối lượng hoàn thành của các dự án. Đặc biệt, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương năm 2024 đã được UBND tỉnh giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa tại công trường tuyến đường Đông-Tây tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Nhật Bắc

Trong đó phải kể đến các dự án như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An và các dự án thành phần ước đạt gần 70,9 tỷ đồng; dự án xây dựng Trường Đại học Hoa Lư (giai đoạn 2) ước đạt gần 24,4 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường Đông-Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1) ước đạt 15 tỷ đồng; dự án đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng chuyên dùng cho Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình ước đạt 12,4 tỷ đồng…

Cùng với đó, một số dự án, công trình mới đã được khởi công như: Dự án kè kênh kết hợp mở rộng đường giao thông liên thôn từ Đại Sơn đi Thanh Thượng, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư với tổng mức đầu tư là 30 tỷ đồng; Tu bổ tôn tạo di tích lịch sử khu vực núi Kiếm Lĩnh, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn với tổng mức đầu tư là 18,1 tỷ đồng; dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Phù Sa, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô với tổng mức đầu tư 22,7 tỷ đồng…

Tính đến tháng 5, tổng số vốn đầu tư công giải ngân trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.728 tỷ đồng, bằng 26,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong  đó, vốn ngân sách Trung ương đạt 41,2 tỷ đồng, bằng 6,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 1.687,37 tỷ đồng, bằng 28,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời, căn cứ tình hình thực tế triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2024 các nguồn vốn do tỉnh quản lý, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư phải xác định giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Công trường dự án tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn I). Ảnh: THU DUNG

Đồng thời, các chủ đầu tư phối hợp với các ngành liên quan thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công tác kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công, đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn đầu tư công các dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của tỉnh, nhất là các dự án: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường kết nối Quốc lộ 12B với Quốc lộ 10 đoạn Yên Mô – Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (tuyến ĐT.480E cũ); xây dựng tuyến đường Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) – Ba Sao (Hà Nam) đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình (giai đoạn II).

Ngoài ra, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng.

TUẤN THƠM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.