(Chinhphu.vn) – Chào mừng 78 năm Quốc khánh 2/9, nhiều công trình, dự án giao thông đường bộ trọng điểm được đưa vào hoạt động nhằm phục vụ người dân. Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 Sáng 30/8, UBND thành phố Hà Nội đã…
Sáng 30/8, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2023) và 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2023).
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm phía hạ lưu sông Hồng, song song với cầu giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe, với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2 của thành phố Hà Nội, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473 m. Cầu Vĩnh Tuy 2 khởi công tháng 1/2021, có điểm đầu cầu giao với đường Trần Quang Khải – Nguyễn Khoái – Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên – Thạch Bàn (quận Long Biên). Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất trong số các cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội với 8 làn ô tô.
Dự án thành phần Quốc lộ 45 – Nghi Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa thông xe kỹ thuật vào đúng dịp 2/9. Tuyến cao tốc này đã cơ bản hoàn thiện, đảm bảo đúng tiến độ thông xe.
Cao tốc Quốc lộ 45 – Nghi Sơn dài 43 km, trong đó có hai nút giao liên thông gồm Vạn Thiện kết nối với Quốc lộ 45 và đường Nghi Sơn – Thọ Xuân. Nút giao Nghi Sơn kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Nghi Sơn – Bãi Trành và đường vào nhà máy xi măng Công Thanh. Dự án với tổng mức đầu tư hơn 5.530 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, dự án được khởi công từ tháng 7/2021.
Giai đoạn 1 của dự án xây dựng mặt đường 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h; giai đoạn hoàn chỉnh xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,25 m, vận tốc thiết kế 120 km/h. Trên tuyến có cầu vượt hồ Yên Mỹ dài 995 m, là cây cầu lớn nhất của dự án.
Dự án này sẽ kết nối với cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Ninh Bình – Thanh Hóa) tại nút giao Tân Phúc (Nông Cống).
Cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu có chiều dài 50 km, trong đó có ba nút giao liên thông gồm: Quỳnh Vinh kết nối với Quốc lộ 48D; Quỳnh Mỹ kết nối với Quốc lộ 48B; Diễn Cát kết nối với Quốc lộ 7 (cách điểm cuối tuyến khoảng 300 m).
Điểm đầu dự án trùng với điểm cuối dự án quốc lộ 45 – Nghi Sơn, thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Điểm cuối dự án trùng với điểm đầu dự án Diễn Châu – Bãi Vọt, thuộc địa phận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 7.293 tỷ đồng.
Cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền đường 32,25 m, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.
Khi hoàn thành, hai đoạn cao tốc Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu sẽ rút ngắn thời gian tuyến Thanh Hóa – Nghệ An từ 3 giờ (đi Quốc lộ 1) còn 1,5 giờ. Đi từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) sẽ chỉ mất 3,5 giờ, thay vì khoảng 5 giờ như hiện nay.
Ngày 31/8, cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc – Phú Thọ đã được thông xe đúng dịp chào mừng Quốc khánh 2/9. Công trình được hoàn thành sau 20 tháng thi công, vượt tiến độ so với dự kiến hơn 4 tháng.
Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 12/2021, với tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu cầu phía thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ kết nối với đường Trần Phú, giao với đê hữu sông Lô và kết thúc tại điểm giao với đê tả sông Lô, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, có tổng chiều dài hơn 509m. Trong đó, cầu chính dài 290m, cầu dẫn phía tỉnh Phú Thọ dài 70,75m, cầu dẫn phía tỉnh Vĩnh Phúc dài 148,8m. Cầu được thiết kế đảm bảo 4 làn xe cơ giới, bề rộng mặt cầu chính 19m, bề rộng đường dẫn 16,5m.
Dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân bên bờ sông, rút ngắn thời gian lưu thông, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối giao thương, phát triển kinh tế của vùng.
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc là một trong 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (cùng với Dầu Giây – Tân Phú và Bảo Lộc – Liên Khương).
Dự án có chiều dài 67km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng (trong đó qua địa bàn Đồng Nai dài 11km). Điểm đầu nối với cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, điểm cuối tại Km 216, Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, với tổng mức đầu tư của dự án là 17.200 tỷ đồng.
Hiện tại, UBND các huyện, thành phố có tuyến đường đi qua đã chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục, chuẩn bị các điều kiện cần thiết có liên quan để động thổ dự án dự kiến vào ngày 2/9/2023.
Giai đoạn 1, cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có nền đường rộng 17 m, với 4 làn xe, bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp không liên tục, với khoảng cách 4 – 5 km/vị trí, dự kiến hoàn thành năm 2026. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư hoàn thiện cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc rộng 22 m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục, dự kiến thực hiện sau năm 2035.