TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, bên cạnh những khó khăn, thị trường bất động sản vẫn có những tín hiệu lạc quan từ yếu tố vĩ mô. Do đó, nếu thuận lợi thị trường sẽ vực dậy từ cuối quý II. Thị trường bất động sản rơi vào trầm…
Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng từ cuối năm 2022, nhiều khó khăn đã xuất hiện. Dù vậy, nhưng thị trường vẫn có những yếu tố lạc quan để vực dậy trong thời gian sắp tới.
Theo đánh giá của Chứng khoán BIDV (BSC), triển vọng trong dài hạn thị trường tích cực khi nhu cầu nhà ở thực vẫn cao. Cùng đó, nguồn cung dần được “cởi trói” nhờ vào tiến độ hoàn thiện pháp lý được đẩy mạnh, thị trường hướng đến sự minh bạch, lành mạnh, tăng tính bền vững thông qua Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi tạo dư địa phát triển, cho phép các nhà phát hành đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản có thêm thời gian để xử lý vấn đề trái phiếu.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi có những điểm mới, sẽ nâng cao hiệu quả trong việc triển khai dự án và làm lành mạnh, minh bạch hơn cho thị trường bất động sản khi bỏ khung giá đất (định kỳ 05 năm một lần), thay vào đó, xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm và công bố công khai. Và bổ sung khoản thu tài chính từ đất đai đối với các dự án chậm tiến độ, không đưa vào sử dụng.
Cuối cùng, Quyết định 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản và đẩy mạnh giải ngân đầu tư hạ tầng trong năm 2023. Từ đó, kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản hồi phục nhanh hơn và cung – cầu dần được cân bằng.
Theo mục tiêu điều hành, Chính phủ định hướng sẽ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, tổng số vốn trên 700,000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 57.5% so với kế hoạch 2021. Các dự án cũng bắt đầu chuyển tiếp sang giai đoạn thi công sau hơn một năm chuẩn bị công tác hồ sơ thủ tục, đấu thầu và giải phóng mặt bằng. Giá nguyên vật liệu xây dựng cũng đã hạ nhiệt tại thời điểm hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện dự án.
“Chúng tôi kỳ vọng hạ tầng kết nối được phát triển đồng bộ sẽ dần kéo nhu cầu thực từ nội thành sang các khu vực ngoại thành và các tỉnh/thành lân cận, giảm tải áp lực cho các thành phố lớn nơi quỹ đất còn lại rất hạn chế, từ đó thu hẹp mức độ lệch pha giữa cung và cầu”, BSC nhấn mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thực tế hiện tại thị trường bất động sản vẫn đang khó khăn, mọi thứ đang có sự điều chỉnh, song vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan. Chính phủ và các Bộ, ban ngành thời gian qua đã có nhiều động thái quyết liệt để tháo gỡ cho thị trường.
“Bản thân doanh nghiệp cũng đang tự điều chỉnh lại các sản phẩm, chiến lực kinh doanh và có những giải pháp mới. Một số chủ đầu tư đã tiếp cận với khách hàng, thống nhất, thương thảo cùng các trái chủ về việc quy đổi trái phiếu sang hàng hóa. Nhiều dự án cao cấp cũng đã có giao dịch trở lại nhờ chính sách bán hàng tốt”, ông Đính nói.
Bên cạnh đó, ông Đính cho rằng, với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước đề xuất và nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay chắc chắn sẽ kích thích được thị trường bất động sản phát triển tốt trở lại, nhưng theo hướng bền vững và lành mạnh. Bởi, các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ phải chọn đúng dòng sản phẩm trọng tâm và có pháp lý hoàn chỉnh.
Ông Đính cho biết, thời điểm trước Tết Nguyên đán giao dịch trên thị trường gần như đứng im. Tuy nhiên, từ giữa tháng 2 tới nay, ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy thị trường đã rục rịch giao dịch trở lại. “Mặc dù, giao dịch chưa thể sôi động ngay nhưng cho thấy thị trường đang dần có dấu hiệu vực dậy niềm tin”, ông Đính nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trước kia thị trường đã xấu đi từ năm 2008, nhưng đến 2013 chúng ta mới có những chính sách điều hành từ vĩ mô như Nghị quyết 02, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng,…
“Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, chúng ta đã có những phản ứng rất nhanh chóng. Từ cuối năm 2022, nhiều cuộc họp về bất động sản đã được tổ chức. Cùng đó, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các văn bản, chỉ đạo tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Tổ công tác cũng đã nhanh chóng làm việc với chủ đầu tư và các địa phương để nắm bắt tình hình. Do đó, tôi cho rằng giai đoạn trầm lắng của thị trường sẽ ngắn hơn trước kia”, vị này khẳng định.
Từ những động thái của cả hệ thống, ông Đính cho rằng, chỉ trong tháng 3 sẽ có nhiều văn bản, chỉ đạo được triển khai. Từ đó, tác động tới thị trường bất động sản và chỉ cuối quý II sẽ khởi sắc trở lại.
“Thị trường giống như người đang bị ốm, các chính sách sẽ là liều thuốc để thị trường lấy lại sức khỏe và dù chưa vận động mạnh được ngay nhưng dần dần nhúc nhích trở lại. Do đó, tôi cho rằng, nếu lạc quan chỉ cuối quý II sẽ tốt lên”, ông Đính nhận định.
Ông Đính cho rằng, hiện đang trong quá trình sửa đổi các luật liên quan tới bất động sản. Do đó, những vấn đề về pháp lý trước mắt cần có những giải pháp linh hoạt, phù hợp để ổn định thị trường. “Vấn đề về pháp lý rất quan trọng, nếu không giải quyết được thì dù có bơm tiền các dự án vẫn sẽ bị tê liệt”, ông Đính nói.
Thực tế, nhiều dự án bất động sản hiện nay đang vướng mắc về vấn đề pháp lý khiến không có hàng mới đưa ra thị trường, dẫn tới nguồn cung suy giảm trong nhiều năm nay. Do đó, việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý đang là vấn đề cốt lõi để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Nhịp sống thị trường