Nhiều câu hỏi về vụ nợ xấu 8,8 tỉ đồng từ khoản vay thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng

(KTSG Online) – Ngân hàng Eximbank cho biết vẫn chưa thỏa thuận được với khách hàng để thu hồi khoản nợ từ thẻ tín dụng, với số tiền gốc là 8,5 triệu đồng nhưng tiền lãi lên đến hơn 8,8 tỉ đồng. Theo tìm hiểu, trước đó mạng xã hội…

Fatz Admin lúc 2024-03-15

(KTSG Online) – Ngân hàng Eximbank cho biết vẫn chưa thỏa thuận được với khách hàng để thu hồi khoản nợ từ thẻ tín dụng, với số tiền gốc là 8,5 triệu đồng nhưng tiền lãi lên đến hơn 8,8 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu, trước đó mạng xã hội lan truyền trong hai ngày qua về tấm hình công văn nhắc nợ quá hạn do Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng Eximbank (Eximbank AMC) gửi khách hàng, trong đó nổi bật chi tiết dư nợ gốc 8,5 triệu đồng, số tiền lãi trả đến hơn 8,8 tỉ đồng sau gần 11 năm.

Ngày 14-3, Ngân hàng Eximbank thông tin đến báo chí văn bản này là có thực.  Theo đó, khách hàng P.H.A thực hiện mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23-3-2013 với hạn mức 10 triệu đồng.

QUẢNG CÁO

Thẻ này phát sinh 2 giao dịch thanh toán (ngày 23-4-2013 và 26-7-2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch), sau đó chuyển thành nợ xấu từ ngày 14-9-2013.

Eximbank thông báo cho đến nay chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào cho khoản nợ quá hạn phát sinh gần 11 năm này.

Tuy nhiên, câu hỏi nhiều người thắc mắc ở đây là khoản tiền lãi “đội” lên quá nhiều từ số tiền gốc 8,5 triệu đồng. Theo Eximbank, phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15-3-2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).

Sự việc có vẻ phức tạp hơn khi khách hàng thông tin đến một số đơn vị báo chí. Theo tờ VNExpress, ông này nói rằng nhân viên ngân hàng khi đó yêu cầu ký trước vào đơn mở thẻ tín dụng và biên nhận thẻ, nhưng sau đó nhận thông báo là không đủ điều kiện mở thẻ. Ông này chỉ nhận thẻ ghi nợ nội địa và không nhận hay kích hoạt, chi tiêu thẻ tín dụng. Mãi đến năm 2017, ông mới biết câu chuyện này và sau đó có làm việc với Eximbank và chưa thống nhất hướng xử lý.

Phía ngân hàng nói rằng ngày 23-12-2017 đã có văn bản phản hồi về nghĩa vụ thanh toán, sau khi khách hàng này khiếu nại về việc không nhận được thông báo việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Nhưng mãi đến ngày 19-8-2021, Eximbank AMC theo ủy thác đã trực tiếp làm việc, giải quyết khoản nợ đối với ông P.H.A. Đến ngày 10-5-2022, Eximbank AMC tiếp tục có buổi gặp gỡ ông P.H.A để trao đổi, tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng xử lý nợ.

Eximbank chưa có phản hồi mới về thông tin mà khách hàng phản hồi qua kênh báo chí. Tuy nhiên ngân hàng cho biết hiện đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ.

Như vậy, cho đến nay, nhưng câu hỏi ban đầu về vụ việc nợ xấu khủng phát sinh là cách tính toán như thế nào để ra con số hơn 8,8 tỉ đồng từ khoản nợ gốc 8,5 triệu đồng sau gần 11 năm.

Ngoài ra, thông tin ban đầu cũng cho thấy khác biệt giữa khách hàng và ngân hàng. Đặc biệt, câu chuyện chữ ký của khách hàng trên hồ sơ cũng là một trong những bằng chứng pháp lý quan trọng khi có tranh chấp.

Trên thực tế, nợ xấu thẻ tín dụng là khá phổ biến, một phần đến từ việc nhiều khách hàng không biết rằng mình bị tính lãi vay, phí trả chậm. Nhiều khoản nợ biến thành nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của người dùng thẻ, sau đó sẽ rất khó để tiếp tục giao dịch tài chính với các nhà băng.

Theo thỏa thuận sử dụng thẻ của ngân hàng với khách hàng, có một số điểm ngân hàng có nhắc đến bao gồm phải thông tin lại cho ngân hàng khi thông tin cá nhân (số điện thoại, địa chỉ, email,…) thay đổi; ngoài ra các ngân hàng cũng khuyến nghị khách hàng khiếu nại ngay lập tức khi phát hiện ra sai sót nào đó, kể cả việc kiểm tra lại sao kê hàng tháng.

D.Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.