Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm làm PPP trong xây dựng hạ tầng giao thông

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh dân số giảm và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, Nhật Bản đã chú trọng huy động nguồn lực tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược như sân bay, bến cảng bằng nhiều hình thức hợp tác công tư…

Fatz Admin lúc 2023-12-19

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh dân số giảm và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, Nhật Bản đã chú trọng huy động nguồn lực tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược như sân bay, bến cảng bằng nhiều hình thức hợp tác công tư (PPP). Đây là yếu tố cốt lõi để phát triển hạ tầng giao thông của Nhật Bản.

Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm làm PPP trong xây dựng hạ tầng giao thông- Ảnh 1.

Cầu Nhật Tân được xây dựng ngày 4/1/2015, cây cầu hoàn thành sau 6 năm dưới sự hướng dẫn và thiết kế từ các kiến trúc sư Nhật Bản với tổng số vốn lên đến 13.500 tỷ đồng. Cầu Nhật Tân được xem là biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam và Nhật Bản – Ảnh: TPO

Thông tin được đại diện Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT) chia sẻ tại Hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng giao thông bền vững (đường sắt, cảng biển, cảng hàng không)” do Bộ GTVT tô chức ngày 18/12. 

Đây là một trong rất nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023) và nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và đối tác Nhật Bản trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng GTVT.

Mục tiêu đột phá về hạ tầng 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, thời gian qua, Việt Nam xác định đột phá về hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối và liên thông cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. 

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Có thể kể đến như: mạng lưới đường bộ cao tốc bước đầu được hình thành với 29 tuyến/đoạn tuyến cao tốc, tổng chiều dài 1.729km; đang tiếp tục triển khai thi công khoảng 1.071km, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000km cao tốc. 

TIN LIÊN QUAN

  • Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tập trung ODA cho 5 lĩnh vực trọng tâm

    Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tập trung ODA cho 5 lĩnh vực trọng tâm

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: '6 điều hơn' sau 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

    Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘6 điều hơn’ sau 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

  • Ưu tiên thúc đẩy hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản

    Ưu tiên thúc đẩy hợp tác địa phương Việt Nam – Nhật Bản

Hệ thống cảng biển đã đưa vào khai thác 286 bến cảng để đáp ứng năng lực vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa. Cùng với đó, hệ thống cảng hàng không với 22 cảng đang được khai thác; đã khởi công xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), Nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất…

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000km đường bộ cao tốc; nâng cấp, cải tạo, bảo đảm an toàn chạy tàu các tuyến đường sắt hiện có; triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (Hà Nội – Vinh, Nha Trang – TP. HCM); ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu; kết nối đường sắt liên vận quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia; triển khai các tuyến đường sắt đô thị.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 – 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU), hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt. Ngoài ra, hình thành hệ thống 30 cảng hàng không với 14 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không quốc nội.

“Những con số nêu trên không chỉ là thành quả và mục tiêu cho sự phát triển của ngành GTVT Việt Nam mà còn đặt ra những áp lực và nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi các nhà quản lý phải xây dựng những chiến lược về quản lý và quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cũng như chuẩn bị, triển khai và vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới. 

Đây cũng là cơ sở quan trọng để Việt Nam kêu gọi hợp tác, hỗ trợ và đầu tư với các đối tác/bạn bè quốc tế, đặc biệt là các đối tác đến từ Nhật Bản – đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam tại các dự án quan trọng này”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chia sẻ.

Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm làm PPP trong xây dựng hạ tầng giao thông- Ảnh 5.

Nhà ga T2 Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài là một trong nhiều công trình có sự hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản. Ảnh minh họa

Ghi nhận sự giúp đỡ của Nhật Bản, Thứ trưởng cho rằng, nhờ có sự giúp đỡ đáng quý đó Việt Nam đã xây dựng được nhiều công trình giao thông có quy mô lớn, công nghệ thi công phức tạp như cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, đường vành đai 3, Nhà ga T2 sân bay Nội Bài, cầu Cần Thơ, cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải, cảng quốc tế Lạch Huyện, cảng Đà Nẵng… 

“Với những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, để phát triển hạ tầng giao thông bền vững, những kinh nghiệm về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Nhật Bản là vô cùng quý báu. Mong rằng, Bộ GTVT và Bộ MLIT nói riêng, Chính phủ hai nước nói chung sẽ có thêm nhiều chương trình hợp tác, hỗ trợ trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Thu hút đầu tư tư nhân vào hàng hải, đường sắt, hàng không

Nói về các dự án chuẩn bị triển khai, ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) đã cung cấp những thông tin cơ bản về các lĩnh vực đường sắt, hàng hải và hàng không cũng như những định hướng, quy hoạch và mục tiêu đầu tư, phát triển trong thời gian tới.

“Việc cả 5 quy hoạch ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ GTVT đã và đang triển khai các quy hoạch chi tiết, các đề án, kế hoạch cụ thể là cơ sở để phát triển đồng bộ, bài bản hạ tầng GTVT ở Việt Nam. Cùng với đó là tái cơ cấu hợp lý thị phần vận tải, tối ưu hóa chi phí, logistics, đầu tư, phát triển vận tải khối lượng lớn, phát huy tiềm năng, lợi thế, tăng tính kết nối giữa các phương thức vận tải.

Nhu cầu đầu tư phát triển đối với 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy, hàng không) đến năm 2030 vào khoảng 85,2 tỷ USD, trong đó gần 50% là 3 lĩnh vực đường sắt, hàng hải, hàng không”, ông Chung thông tin.

Về phía Nhật Bản, đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết: Trong bối cảnh dân số giảm và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, Nhật Bản đã chú trọng huy động nguồn lực tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược như sân bay, bến cảng bằng nhiều hình thức hợp tác công tư (PPP). Đây là yếu tố cốt lõi để phát triển hạ tầng giao thông của Nhật Bản.

Trước những câu hỏi của đại diện cơ quan chuyên môn của Việt Nam về các vấn đề như xây dựng, vận hành chính quyền cảng biển, đầu tư, nhượng quyền khai thác sân bay, kết nối đường sắt, hiệu quả chi phí và hiệu quả kinh tế khi đầu tư xây dựng công trình giao thông…, đại diện các cơ quan chuyên môn của Nhật Bản đã chia sẻ và cung cấp những dữ liệu quan trọng làm cơ sở để cơ quan chuyên môn của Việt Nam tham khảo, có thể sử dụng trong hoạch định chính sách hoặc tham mưu để ban hành các chính sách phát triển GTVT theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Phan Trang

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.