Sức ép tài chính ngày càng mạnh đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ “ôm đất”. Tình trạng hạ giá để bán nhanh thu dòng tiền đang diễn ra nhiều hơn trên thị trường BĐS hiện nay. Bên cạnh các nhà đầu tư “cố gồng” để đợi thị trường…
Bên cạnh các nhà đầu tư “cố gồng” để đợi thị trường tốt lên, thì nhiều nhà đầu tư đang cố ra hàng để thu dòng tiền. Nhiều lần hạ giá để bán được sản phẩm nhưng để có giao dịch thời điểm này là điều không dễ dàng.
Từng rao giá 4 tỉ đồng cho nền đất 58m2 tại khu dân cư hiện hữu thuộc khu vực Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) nhưng 3 tuần không có khách hỏi mua, anh M hạ xuống còn 3.4 tỉ đồng/nền giá chốt. Thế nhưng, dù gửi qua nhiều môi giới BĐS, nền đất của anh M vẫn “án binh bất động”. Do đang cần tiền gấp để xử lý việc kinh doanh, không bán được mảnh đất, anh M như ngồi trên đống lửa. Nhà đầu tư này cho hay, nếu tiếp tục hạ giá thì coi như chấp nhận lỗ nền đất đã mua gần 2 năm.
“Tuy nhiên, vấn đề ở đây là liệu giảm giá tiếp thì có bán được không hay vẫn không có người mua”, nhà đầu tư này tỏ ra lo lắng.
Cùng tình cảnh, chị Ng (ngụ Q.7, Tp.HCM) mua nền đất giá 2.3 tỉ đồng tại khu vực P.Long Phước, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM gần 2 năm nhưng chỉ tăng giá khoảng 100 triệu đồng. Ban đầu nhà đầu tư này tính chờ lời khoảng vài trăm rồi bán ra nhưng càng chờ, thị trường càng chậm. Nền đất chị mua hiện mức chênh so với giá mua vào chỉ còn hơn 50 triệu đồng. Mới đây, chị Ng rao bán để thu dòng tiền nhưng rao mãi vẫn chưa có người chốt. Chia sẻ về việc liệu có giảm dưới giá vốn để thu tiền về, chị Ng cho biết, để xem dòng tiền thế nào rồi mới quyết định được.
Ảnh minh hoạ.
Trường hợp của chị H (Ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) lại rơi vào tình cảnh khác. Chơi chứng khoán thua lỗ hơn 500 triệu đồng, chị H đành ngậm ngùi bán mảnh đất mới mua hơn 1 năm với giá vốn để trả khoản nợ. Nhưng bán mãi không được, mới đây chị tiếp tục cắt lỗ gần 200 triệu nhằm bán nhanh. Nền đất của chị hiện đã có người hỏi mua.
Ghi nhận cho thấy, sau khoảng thời gian khó khăn, thị trường biến động, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ có xu hướng bán sản phẩm ra nhanh để thu dòng tiền. Đây đa số là nhà đầu tư mới vào thị trường, có sức “gồng” kém hơn các nhà đầu tư lâu năm. Tâm lý của những nhà đầu tư này cũng dễ dao động khi thấy giá bán có xu hướng điều chỉnh. Một là họ sẽ rao bán gấp, hai là giảm thêm giá để bán được sản phẩm ra nhanh. Dĩ nhiên, để ra được hàng trong bối cảnh thị trường hiện nay cũng là một vấn đề.
Tìm hiểu được biết, hiện phân khúc đất nền tỉnh, nhiều nhà đầu tư đang gồng và trong số đó có nhiều người “đuối sức” về dòng tiền. Đa số rơi vào các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng, lướt sóng nhưng không ra được hàng nên “ôm” và chờ thị trường. Có không ít trường hợp trong số đó đã chấp nhận cắt lỗ dưới giá vốn. Tình trạng này đang tăng dần và dự báo từ nay đến cuối năm, có thể thị trường BĐS sẽ xuất hiện làn sóng cắt lỗ mạnh hơn thời điểm hiện tại.
Tuy những con số cụ thể chưa rõ ràng ở thời điểm này, nhưng một số chuyên gia cho rằng, nếu năm 2023 chính sách tín dụng không cởi mở thực sự thì thị trường BĐS có thể “chìm” vào khó khăn. Tình trạng bán tháo, cắt lỗ có thể xuất hiện rộng hơn trên thị trường, rơi nhiều vào phân khúc BĐS cao cấp.
Nhịp sống thị trường
Trả lời