Ảnh minh họa. Trong lúc thị trường bất động sản sôi động, không ít nhà đầu tư F0 tham gia vào với mong muốn có thể kiếm tiền trong ngắn hạn, nhưng lại thiếu kiến thức, kinh nghiệm và sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Cuối cùng, họ…
Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng khiến nhiều nhà đầu tư phải giảm giá, bán cắt lỗ. Đặc biệt là những nhà đầu tư “tay mơ” mới tham gia thị trường, không có nhiều kinh nghiệm nhưng lại kỳ vọng quá cao. Cuối cùng, ngoài việc phải bán cắt lỗ họ còn nhận thêm được bài học để đời.
Trò chuyện với chúng tôi, anh N.C (sinh năm 1996, quê Nam Định), hiện đang sinh sống tại Hà Nội kể: “Vốn tôi chỉ làm nghề bán hàng online. Trong thời những năm dịch bệnh hoành hành, công việc của tôi thuận lợi nên bán được rất nhiều hàng. Từ đó, tôi trả được hết nợ trước đó vay mượn để khởi nghiệp và có thêm một khoản nhàn rỗi. Đến tháng 4/2022, thông tin thị trường bất động sản nóng sốt ở khắp nơi. Hơn nữa, bạn bè của tôi làm trong ngành bất động sản những năm qua cũng kiếm được bội tiền. Do đó, tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện đầu tư”.
Đến tháng 5/2022, anh C quyết định xuống tiền mua căn shophouse có diện tích 70m2 với giá 12 tỷ đồng tại một khu đô thị ở Hưng Yên, trong đó 70% là vốn vay ngân hàng. Do được ân hạn trong năm đầu tiên nên anh C tính, trong vòng 1 năm có lãi sẽ bán ngay.
Tuy nhiên, mọi toan tính của nhà đầu tư trẻ tuổi này đều đổ vỡ khi thị trường bất ngờ “quay xe” và rơi vào trầm lắng tới nay. Bên cạnh đó, áp lực lực tài chính ngày càng lớn khi lãi suất trong năm ngoái liên tục tăng cao, cộng thêm việc nhiều bất động sản được rao bán giảm giá, cắt lỗ khiến anh C càng thấy sai lầm khi mua vào.
Để cố gắng giữ lại bất động sản đang sở hữu, cuối năm vừa qua anh C đã phải bán đi chiếc ô tô mua cách đó 9 tháng. Sau Tết, vì nhận thấy không thể “gồng”, anh C bắt đầu rao bán căn shophouse. Song, khách hàng cũng không mấy mặn mà và đề nghị nếu giá rẻ mới mua lại.
Đến đầu tháng 3 vì áp lực tài chính ngày càng rõ ràng nên anh C quyết định cắt lỗ 35% và bán với giá 7,8 tỷ đồng. Cộng với số tiền bán ô tô được 500 triệu đồng và vay mượn thêm bạn bè anh đã tất toán được hết khoản vay với ngân hàng.
“Hiện tôi vẫn còn nợ bạn bè khoảng hơn 300 triệu đồng. Như vậy, sau thương vụ đầu tư này coi như tôi lại về tay trắng. Tôi cũng coi đây là bài học, không nên đầu tư vào lĩnh vực mà mình không hiểu biết”, anh C trầm ngâm nói.
Thực tế, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, không thiếu các trường hợp phải cắt lỗ bất động sản. Đặc biệt, những người mới vào thị trường, chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, song sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Cuối cùng, họ phải nhận những bài học đắt giá đến tiền tỷ.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, khoảng 30-40% lực cầu đầu tư ngoài ngành vào bất động sản đến từ nhà đầu tư F0. Đây những nhà đầu tư mới bén duyên với lĩnh vực bất động sản trong thời gian ngắn, hoặc bắt trend dịch chuyển dòng tiền từ các kênh khác nhau như vàng, chứng khoán… về bất động sản. Những nhà đầu tư này mới tham gia vào thị trường, họ thường có ít kiến thức và thông tin về ngành nghề bất động sản. Tâm lý của đa số nhà đầu tư F0 vẫn thích đầu tư ngắn hạn, lướt sóng.
“Thời điểm năm 2021-2022, các cơn sốt đất lan rộng, thị trường bất động sản được hâm nóng trở lại một cách mạnh mẽ sau những tháng ngày dài im ắng vì đại dịch. Lúc này, thị trường chứng kiến sự đổ bộ của nhiều nhà đầu tư F0. Cuộc săn đất lần này không chỉ có những nhà đầu tư lão luyện, mà còn thu hút nhiều người mới tham gia lần đầu”, ông Đính nói.
Tuy nhiên, bước vào năm 2023 thị trường không còn được như trước. Trong thời gian dài, bất động sản dường như đóng băng vì thiếu dòng tiền, sụt giảm thanh khoản. Làn sóng giảm giá, bán cắt lỗ bán bất động sản lan rộng do nhiều người sử dụng đòn bẩy tài chính từ ngân hàng và hiện không thể gồng gánh nợ gốc và lãi.
Các cụm từ “kẹt tiền bán lỗ”, “bán cắt lỗ nhà đất”, “cắt lỗ cần bán gấp”, “nợ ngân hàng cần bán gấp”… xuất hiện khá dày, lan rộng ra các loại hình bất động sản như đất nền, liền kề, biệt thự.
Nhịp sống thị trường