Trong khi nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho thấy dấu hiệu phục hồi thì lạm phát dai dẳng vẫn là mối lo ngại lớn khiến người tiêu dùng trở nên quan tâm hơn đến cách chi tiêu của mình.

Cuộc khảo sát thăm dò ý kiến của hơn 7.000 người tiêu dùng trong khu vực, trong đó có 515 người đến từ Việt Nam, cho thấy lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với đại đa số người tiêu dùng Việt trong 12 tháng tới. Do đó, 63% người tiêu dùng Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng chi tiêu cho mặt hàng nhu yếu phẩm, tiếp theo là quần áo (52%) và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (48%). Người tiêu dùng chỉ sẵn sàng gắn bó với những thương hiệu mà họ thực sự tin tưởng. “Do đó, các doanh nghiệp cần biết cách xây dựng niềm tin trên mọi phương diện và hình thành các mối liên kết bền vững với người tiêu dùng”, khảo sát nhấn mạnh.

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến cách chi tiêu của mình. Ảnh: kinhtedothi.vn

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng tích cực đón nhận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội, với mục đích tiếp cận các thương hiệu mới và tham khảo đánh giá trước khi mua hàng. 71% số người Việt Nam được hỏi cho biết đã từng mua sắm thông qua nền tảng mạng xã hội, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của khu vực là 56%.

Khảo sát chỉ rõ, cùng với sự phổ biến của các nền tảng thương mại điện tử, Việt Nam đang có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực (67% qua điện thoại di động và 44% qua máy tính cá nhân), mặc dù việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vẫn đang ở mức cao (63%).

Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu tiên tính bền vững trong thói quen tiêu dùng khi có 94% người được hỏi cho biết đã trải qua những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong cuộc sống hằng ngày (tỷ lệ này ở khu vực là 88%). Đáng chú ý, 74% người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ sẵn sàng chi trả cao hơn 20% so với mức giá trung bình cho một sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế/bền vững và có đến 85% sẽ cân nhắc việc mua xe hybrid (xe lai) hoặc xe điện trong 3 năm tới.

THU HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.