(KTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cần được thiết kế với công năng phù hợp, phát huy thế mạnh bổ sung của các loại hình vận tải, nghiên cứu theo hướng vận tải hành khách là chủ yếu, kết…
(KTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cần được thiết kế với công năng phù hợp, phát huy thế mạnh bổ sung của các loại hình vận tải, nghiên cứu theo hướng vận tải hành khách là chủ yếu, kết hợp vận tải hàng hóa nhanh.
Theo Baochinhphu.vn, ngày 11-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cùng tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Bộ Giao thông Vận tải được giao xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam để trình cấp có thẩm quyền. Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có nhiều cuộc họp về nội dung này.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá báo cáo có nhiều điểm mới, rõ hơn so với các cuộc họp trước đây. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn nữa, thuyết phục hơn nữa với một số nội dung liên quan tới cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận; mục tiêu, yêu cầu; nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án.
Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.
Về giải pháp để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất; lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h.
Về công năng vận tải, hiện trên trục giao thông Bắc – Nam đã có ba tuyến đường bộ (gồm quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc đang được xây dựng), cùng các tuyến đường biển, hàng không, đường sắt.
Do đó, phải nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao với công năng phù hợp để phát huy thế mạnh bổ sung của các loại hình vận tải, nghiên cứu theo hướng vận tải hành khách là chủ yếu, kết hợp vận tải hàng hóa nhanh và phục vụ quốc phòng-an ninh khi có nhu cầu, đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu để vận chuyển hàng hóa.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng về tổng mức đầu tư bảo đảm phù hợp; nghiên cứu cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn theo các phương thức khác nhau, đa dạng hóa nguồn vốn.
Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW ngày 28-2-2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9-11-2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, trong đó yêu cầu nghiên cứu, triển khai hiệu quả Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông – Tây; nghiên cứu hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.