Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, năm 2021, điều hành chi ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ. Trong đó đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện chi ngân sách bám sát dự toán được giao; rà soát, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Năm 2021, điều hành chi ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thẳng thắn cho rằng, trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách bảo đảm an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; việc quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn báo cáo quyết toán chưa bảo đảm theo đúng quy định.
Theo đó, quyết toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2021 như sau: Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.358.084 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.701.713 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP (gồm: Bội chi ngân sách Trung ương là 318.870 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỷ đồng, tương đương 0,3% GDP).
Đến cuối năm 2021, tổng số nợ công là 3.616.484 tỷ đồng – bằng 42,65% so với GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước là 21,47%. Như vậy, các chỉ tiêu nợ công năm 2021 trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, quyết toán thu ngân sách nhà nước đạt kết quả như trên ngoài lý do lập dự toán thận trọng, các khoản thu về nhà đất, chứng khoán, dầu thô tăng cao,… là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2021 đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí mà số tăng thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt rất cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát, như lập dự toán thu tiền sử dụng đất nhiều năm thấp hơn số thực hiện năm trước. Một số ý kiến đề nghị, trong bối cảnh khó xác định chính xác dự toán thu ngân sách nhà nước, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, không dàn trải, thất thoát, lãng phí số tăng thu ngân sách nhà nước.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. |
Về quyết toán chi ngân sách nhà nước, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, đa số ý kiến cho rằng quyết toán chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả số chi chuyển nguồn năm trước chuyển sang) đạt mức rất thấp là do công tác lập dự toán chi không sát, giải ngân đầu tư công chậm, không tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2021.
“Việc hủy bỏ dự toán, chuyển nguồn lớn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách kinh tế, chính sách an sinh xã hội của nhà nước”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nói.
Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát các khoản chi chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022. Chính phủ, Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, số liệu quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 bảo đảm tính chính xác, trung thực, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật…
NGUYỄN THẢO