Ngân hàng tuần qua: NHNN phân bổ room tín dụng, chỉ còn 4 nhà băng niêm yết lãi suất huy động 9,5%

Sau khi được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, các ngân hàng cũng đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động 0,5 điểm % trước ngày 6/3. Hé lộ room tín dụng 2023 được cấp lần đầu của 8 ngân hàng Ngân…

Fatz Admin lúc 2023-03-05
Ngân hàng tuần qua: NHNN phân bổ room tín dụng, chỉ còn 4 nhà băng niêm yết lãi suất huy động 9,5%

Sau khi được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, các ngân hàng cũng đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động 0,5 điểm % trước ngày 6/3.

Hé lộ room tín dụng 2023 được cấp lần đầu của 8 ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuần qua đã cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) lần đầu năm 2023 cho một số ngân hàng.

Theo một nguồn tin thân cận, MSB được cấp là room tín dụng cao nhất, ở mức 13,5%. Đây cũng là ngân hàng duy nhất được cấp tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm 2022 (9,5%).

QUẢNG CÁO

Các ngân hàng còn lại đều được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng lần đầu thấp hơn.

Cụ thể, HDBank được cấp room là 11%, so với 15% của năm 2022. ACB là 9,8% so với năm 2022 là 10%; VIB là 9,5% so với năm 2022 là 10%; TPBank là 9,1% thấp hơn mức 11,5% của năm trước; VPBank và MB cùng được cấp room tín dụng ở mức 9% trong khi năm trước là 15%.

Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước xác nhận “Về cơ bản, các số liệu trên là đúng và một vài số liệu được làm tròn”, đồng thời nhấn mạnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được cơ quan quản lý thông báo riêng cho từng ngân hàng và quản lý theo “thông tin nội bộ”.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng; trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01.

Làn sóng giảm lãi suất mới

Sau lần đồng thuận trước đó không đẩy lãi suất huy động quá 9,5%/năm, động thái mới nhất là tín hiệu rõ ràng về xu hướng giảm lãi suất sâu rộng đã bắt đầu lan tỏa.

Sau khi được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, các ngân hàng cũng đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động 0,5 điểm % trước ngày 6/3. Riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, do mức lãi suất đã thấp nên sẽ chỉ giảm khoảng 0,2%/năm so với hiện hành.

Như vậy sẽ có một làn sóng giảm lãi suất mới trên diện rộng. Điều này đồng nghĩa lãi suất cho vay cũng sẽ giảm, có tác động tích cực tới những người có nhu cầu vay vốn vì chi phí vốn vay sẽ giảm tương ứng.

Chỉ còn 4 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động 9,5%/năm

Theo khảo sát của chúng tôi tại 40 ngân hàng vào ngày 05/03, mức lãi suất cao nhất được niêm yết vẫn đang là 9,5%/năm. Có 4 nhà băng đang áp dụng mức lãi suất này là VietBank, SCB, HDBank, KienlongBank.

Nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất xuống quanh mốc 9%/năm. Chẳng hạn như NamABank giảm lãi suất cao nhất xuống 8,9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12-14 tháng. Điều tương tự cũng diễn ra ở BaoVietBank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng đã được hạ từ mức 9,5% xuống còn 9%/năm.

Ngoài BaoVietBank, vẫn còn 9 ngân hàng ghi nhận lãi suất trong khoảng 9-9,4%/năm. Trong đó, đứng đầu là VietCapital với mức lãi suất 9,4%/năm. VPBank và ABBank theo sau khi ghi nhận con số này lần lượt là 9,3%/năm và 9,1%/năm.

7 ngân hàng còn lại đều niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 9%/năm. Danh sách này gồm SaigonBank, OceanBank, VietABank và các ngân hàng liên doanh hoặc có 100% vốn đầu tư nước ngoài như CIMB, IVB, Public Bank.

Ở khối Big 4, lãi suất cao nhất gửi tại quầy đang được niêm yết 7,4%/năm. Đối với gửi online, 3 ngân hàng BIDV, Agribank, VietinBank áp dụng mức cao nhất là 8,2%/năm.

So với đầu tuần, nhìn chung, các ngân hàng đều đã giảm lãi suất từ 0,5-1%/đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Hiện tại đã có 26/40 nhà băng niêm yết lãi suất dưới 9%/năm.

Đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất cho vay bình quân

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023 diễn ra sáng 3/3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã có chỉ đạo các TCTD tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%/năm; đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành hợp lý theo hướng phấn đấu giảm lãi suất hơn nữa.

Về tín dụng, Thống đốc cho biết NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14 – 15%, cao hơn năm 2022, và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Trong tháng 02/2023, NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tính tới 28/02, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp.

Đối với việc này, Thống đốc cho biết, NHNN đã rà soát, đánh giá và thấy rằng các điều kiện cho vay được giữ nguyên, không thắt chặt, từ đầu năm các ngân hàng không bị hạn chế về room tín dụng, thanh khoản hệ thống dư thừa,… Do đó, việc tín dụng tăng trưởng chậm có một số nguyên nhân do: 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; thứ hai, nhiều doanh nghiệp vẫn chịu tác động bởi dịch Covid-19, một số doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.

Đặc biệt, tín dụng cho bất động sản tăng thấp hơn so với các năm trước cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm. Những năm trước, tín dụng BĐS tăng cao, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, ngay sau Hội nghị toàn quốc về bất động sản ngày 17/02, NHNN đã làm việc với các NHTM Nhà nước và các TCTD về quy trình thủ tục và sẽ triển khai ngay trong thời gian tới khi có Nghị quyết Chính phủ trên cơ sở danh mục nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đưa ra.

18 mã ngân hàng giảm giá trong tuần qua

Trong tuần giao dịch vừa qua (27/2-3/3/2023), chỉ có 8/27 cổ phiếu ngân hàng tăng giá, trong khi còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

BAB của BacABank là cổ phiếu tăng mạnh nhất với mức tăng 8,7% trong tuần qua. Tiếp đến là PGB của PGBank (3,4%), BID của BIDV (2,9%), STB của Sacombank (2,9%), NAB của NamABank (2,1%), HDB của HDBank (1,7%),…

Ở chiều ngược lại, có tới 18/27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá tuần qua, trong đó các mã giảm mạnh nhất là NVB (-9,4%), EIB (-6%), OCB (-4,5%), VBB (-3,6%), MBB (-3,1%),…

Thanh khoản toàn ngành tuần qua chỉ đạt gần 6.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.270 tỷ/phiên. Trong đó, STB là mã duy nhất có giá trị giao dịch trong tuần đạt trên 1.000 tỷ đồng, cụ thể thanh khoản đạt gần 1.600 tỷ, gấp đôi mã đứng thứ 2 là VPB (716 tỷ đồng).

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.