Trong quý I-2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. 

Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31-3-2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Tín dụng trong tháng 3-2024 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29-3-2024, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.  

Trong điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu đồng Việt Nam nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo. 

Đối với thị trường vàng, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng tăng là chủ đạo, trong đó có nguyên nhân: Các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 khiến chỉ số đồng đô la Mỹ giảm điểm, nhu cầu về vàng tăng; ngân hàng Trung ương một số nước tăng mua vàng; tâm lý lo ngại tình hình xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông…

Trong nước, giá vàng miếng SJC bình quân biến động tăng theo giá vàng quốc tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Cụ thể: Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024…

Tin, ảnh: ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.