Theo đó, ngày 25-4, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng; cao hơn 1,6 triệu đồng/lượng so với phiên trước đó (ngày 23-4). 

Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Loại vàng đấu thầu là vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất.

Ngân hàng Nhà nước nêu rõ tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%. Bên cạnh đó khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô tương đương 1.400 lượng, khối lượng tối đa là 20 lô tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô tương đương 100 lượng. 

Hủy phiên đấu thầu vàng hôm nay. Ảnh minh họa: VGP 

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố. Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước (TP Hà Nội). Địa điểm giao nhận vàng tại Chi cục phát hành và kho quỹ – Ngân hàng Nhà nước, tại TP Hồ Chí Minh.

Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh giảm mạnh lượng vàng yêu cầu mua tối thiểu.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 – 500 lượng vàng thì sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn, chứ yêu cầu đặt mua tối thiểu 1.400 lượng vàng quá khó. 

Theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế thì điều kiện tham gia đấu thầu với khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao.

Theo thời giá thị trường trưa 25-4, giá vàng SJC là 81,7 triệu đồng/lượng (mua vào), tương đương số vốn bỏ ra khoảng 100 tỷ đồng. Hiện Việt Nam có 38 đơn vị kinh doanh vàng, theo ông Ngô Trí Long, rất ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực với số tiền đó bỏ ra để đấu thầu. Điều này chỉ có các ngân hàng thương mại. Như vậy điều kiện tham gia chưa công bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, chỉ có lợi cho các ngân hàng thương mại.

TTXVN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.