(Chinhphu.vn) – Trước yêu cầu phải phát triển kinh tế nhanh, mạnh mẽ, tỉnh Nam Định đã chủ động quy hoạch hình thành các vùng kinh tế – xã hội nhằm tạo sức mạnh liên kết để giải quyết triệt để các vấn đề mà từng địa phương đơn lẻ,…
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tỉnh Nam Định đã hoàn thành xây dựng và triển khai đầu tư hàng loạt các tuyến đường giao thông chiến lược không chỉ đảm bảo kết nối liên thông giữa các huyện, thành phố trong tỉnh mà còn kết nối đến các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, có khả năng khơi thông nguồn lực từ các thành phần kinh tế.
Cụ thể là, Nam Định đã hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án: Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (giai đoạn I), các tỉnh lộ 487B, 488C, cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ.
Đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; các tỉnh lộ 488B, 485B; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); đường trục phía nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); cầu lớn thứ 4 vượt sông Đào, nối nội thành Nam Định với vùng kinh tế động lực ven biển…
Tỉnh Nam Định cũng chú trọng hoàn thành lập các Quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu – Giao Thuỷ, vùng liên huyện Nghĩa Hưng – Ý Yên và vùng liên huyện Nam Trực – Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung dồn lực lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bao quát đồng bộ, thống nhất các quy hoạch phát triển liên huyện, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia làm căn cứ pháp lý để các huyện, thành phố và tỉnh triển khai thu hút đầu tư các dự án phát triển kinh tế liên vùng.
Toàn tỉnh Nam Định đã hình thành 5 hành lang quan trọng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực (kinh tế – kỹ thuật – đô thị và nông thôn) bao gồm: Hành lang Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định – Cao Bồ), Hành lang cao tốc Bắc Nam – Cao Bồ – Rạng Đông, Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng – Hải Hậu – Giao Thủy), Hành lang Quốc lộ 21 (thành phố Nam Định – Xuân Trường), Hành lang cao tốc Ninh Bình – Thái Bình – Quảng Ninh. Trong đó, Hành lang Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định – Cao Bồ) đi qua địa bàn các huyện và thị trấn: huyện Vũ Thư (Thái Bình) – thành phố Nam Định – thị trấn Gôi (Vụ Bản) – Ý Yên – Ninh Bình, tổng chiều dài khoảng hơn 30km.
Đây là hành lang động lực chủ đạo của tỉnh do là tuyến huyết mạch giao thông, có vai trò kết nối Nam Định với tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, có dân cư đông đúc, tổng vốn cơ sở vật chất lớn, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Cũng tại đây, tỉnh Nam Định định hướng huy động các nguồn lực, khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên đất; đẩy mạnh phát triển các vùng nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến; phát triển mạnh ngành dịch vụ – du lịch, các điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo hướng đối ngoại với quốc gia và quốc tế.
Hành lang Cao tốc Bắc Nam nối dài (Hà Nội – Cao Bồ – Rạng Đông) đi qua các huyện và thị trấn từ huyện Thanh Liêm (Hà Nam) – Cao Bồ (Ý Yên) thị trấn Liễu Đề – thị trấn Quỹ Nhất – đô thị Rạng Đông, tổng chiều dài khoảng hơn 70km. Đây cũng là trục trung tâm, giúp kết nối thuận lợi phía Bắc (tỉnh Hà Nam và Thủ đô Hà Nội).
Tuyến hành lang này đi qua các khu vực có nhiều thị trấn đang phát triển và các khu điểm kinh tế lớn có vai trò quan trọng kết nối 3 cực tăng trưởng (Cao Bồ – Liễu Đề – Rạng Đông) nên được xác định là hành lang phát triển động lực chủ đạo đến 2030 và 2050.
Trên tuyến này, Nam Định dự tính sẽ tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đặc biệt phát triển mạnh công nghiệp chế biến chế tạo, luyện thép, khai khoáng, dịch vụ du lịch sinh thái cảnh quan và môi trường.
Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng – Hải Hậu – Giao Thủy) đi qua các huyện và thị trấn từ Tiền Hải (Thái Bình) – Đại Đồng – thị trấn Quất Lâm – thị trấn Cồn – thị trấn Thịnh Long – thị trấn Rạng Đông – thị trấn Bình Minh (Ninh Bình), tổng chiều dài khoảng 60km. Hành lang này đi qua các khu vực có nhiều thị trấn đang phát triển và các khu điểm kinh tế lớn, trọng tâm của vùng này là đô thị Rạng Đông – Thịnh Long và các đô thị Quất Lâm, Đại Đồng.
“Đất học” định hướng tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đặc biệt phát triển mạnh công nghiệp chế biến chế tạo, luyện thép, khai khoáng, dịch vụ du lịch sinh thái biển, nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ cảng và logistics như KCN Rạng Đông, Khu kinh tế biển Ninh Cơ, Khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm…; phát triển khu vực hành lang kinh tế ven biển sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra quan hệ hỗ trợ, kích thích phát triển giữa các huyện trong tỉnh.
Hành lang Quốc lộ 21 (thành phố Nam Định – Xuân Trường – Giao Thủy) đi qua địa bàn các huyện và thị trấn như: Lý Nhân (Hà Nam) – thành phố Nam Định – thị trấn Cổ Lễ – thị trấn Cát Thành – thị trấn Xuân Trường – thị trấn Quất Lâm, tổng chiều dài khoảng 48km.
Đây là hành lang phát triển động lực thứ cấp trong giai đoạn đến năm 2030 và trở thành chủ đạo trong giai đoạn đến năm 2050 do có dân cư đông đúc, tổng vốn cơ sở vật chất lớn với các thị trấn là đô thị trung tâm các huyện nằm dọc theo Quốc lộ 21 với khoảng cách khá gần nhau (<10km).
Trong giai đoạn quy hoạch, cần huy động các nguồn lực, khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên của khu vực, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái và tạo nguyên liệu cho phát triển công nghiệp. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, du lịch; đẩy mạnh giải quyết việc làm, từng bước nâng cao dân trí, chất lượng đời sống dân cư hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Hành lang cao tốc Ninh Bình – Thái Bình – Quảng Ninh: Đi qua các huyện và thị trấn như: Kiến Xương (Thái Bình) – thị trấn Cổ Lễ – thị trấn Liễu Đề – Kim Sơn (Ninh Bình) tổng chiều dài khoảng 50km, là trục trung tâm, giúp kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong khu vực duyên hải Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Hành lang này đi qua các thị trấn đang phát triển của tỉnh như thị trấn Cổ Lễ, thị trấn Liễu Đề, cũng là hành lang có vị trí quan trọng, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nên được xác định là hành lang phát triển động lực thứ cấp ở giai đoạn đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050. Đây là hành lang có vị trí quan trọng, khu vực có quỹ đất rộng rãi, có ảnh hưởng và đóng góp lớn về kinh tế, du lịch, dịch vụ và sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tại đây tỉnh định hướng huy động các nguồn lực, khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên của khu vực, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái và tạo nguyên liệu cho phát triển công nghiệp; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, du lịch; đẩy mạnh giải quyết việc làm, từng bước nâng cao dân trí, chất lượng đời sống dân cư hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để bảo đảm sự thống nhất giữa các huyện, thành phố trên phạm vi toàn tỉnh Nam Định, từ đó đồng thuận cùng thu hút, đầu tư các dự án, điều phối phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và các chương trình thúc đẩy phát triển tổng thể kinh tế – xã hội, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực, tỉnh Nam Định cũng chủ động xác định phương thức phối hợp tổ chức phát triển không gian liên vùng.
Theo đó, UBND tỉnh Nam Định tổ chức sắp xếp không gian liên huyện, bố trí các công trình, dự án, hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, đảm bảo kết nối các vùng huyện thông suốt, phù hợp với định hướng quy hoạch chung của tỉnh và hướng phát triển trọng tâm của vùng huyện; nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp quản lý các dự án thực hiện trong phạm vi không gian liên huyện, đảm bảo quản lý hiệu quả giữa các huyện.
Việc chủ động kiến tạo, mở thêm không gian phát triển liên vùng sẽ tạo thêm động lực mới để các địa phương phát triển kinh tế – xã hội, góp phần giúp tỉnh Nam Định thực hiện thắng lợi mục tiêu thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đưa đất học Thành Nam trở thành một trong những tỉnh khá của cả nước, là cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng và cả nước; kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế – xã hội lớn của vùng, cả nước, các nước láng giềng và ASEAN./.