(KTSG Online) – Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cả nước sẽ đạt và vượt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc. Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo . Ảnh: Minh Hoàng. Đến nay,cả nước đã hoàn…
(KTSG Online) – Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cả nước sẽ đạt và vượt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc.
Đến nay,cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km; các dự án đang thi công với trên 1.700 km, chuẩn bị khởi công khoảng 1.400 km; các dự án trải dài qua khắp 48 tỉnh thành trên cả nước. Đây là thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tại lễ phát động thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” diễn ra ngày 18-8.
Baochinhphu.vn đưa tin, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cả nước sẽ đạt và vượt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải khẳng định, các nhà thầu thực hiện các tuyến đường cao tốc cam kết tập trung tối đa thiết bị, nhân lực để hoàn thành và hoàn thành vượt tiến độ 3 – 6 tháng những hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, hoàn thành trước 31-12-2025, góp phần thực hiện mục tiêu 3.000 km cao tốc trong năm 2025.
Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, thành phần 3 có tổng chiều dài 48,09 km, kế hoạch hoàn thành trong năm 2026, các nhà thầu cam kết rút ngắn tiến độ, hoàn thành trước tháng 31-12-2025.
Riêng tập đoàn Sơn Hải có các gói thầu thuộc dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, thành phần 1, thành phần 3, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2026, nhưng Sơn Hải cam kết hoàn thành trong năm 2025, tổng chiều dài hơn 52 km, đồng thời cam kết là doanh nghiệp hàng đầu về tiến độ và chất lượng.
Tại lễ phát động, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ để đôn đốc các nhiệm vụ được giao, kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thu xếp nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA bảo đảm khẩn trương, kịp thời, đáp ứng tiến độ các dự án. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thu xếp vốn cho chủ đầu tư tham gia các dự án PPP, đáp ứng tiến độ đề ra.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phải bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng, đất, đá cát sỏi… phục vụ thi công công trình; bảo đảm công tác vệ sinh, môi trường.
Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về quy chuẩn, tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng và nghiệm thu công trình, dự án kịp thời, đúng tiến độ. Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam di dời hạ tầng kỹ thuật như đường điện cao thế, cáp ngầm trong phạm vi dự án.