Mòn mỏi ‘sống treo’ tại dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng

Hàng nghìn hộ dân ở dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) bị quy hoạch treo gần 20 năm, không thể xây dựng hay sửa chữa nhà. Khốn khổ vì quy hoạch treo Nhiều năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết…

Fatz Admin lúc 2022-10-31

Hàng nghìn hộ dân ở dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) bị quy hoạch treo gần 20 năm, không thể xây dựng hay sửa chữa nhà.

Khốn khổ vì quy hoạch treo

Nhiều năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (tổ 36, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) phải sống trong căn nhà nhỏ chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, bởi gần 20 năm nay, căn nhà bà Nga không được sửa chữa, cơi nới.

Bà Nga cho biết, nguyên nhân nhà không được sửa chữa, xây mới là do nằm trong khu vực quy hoạch dự án ga đường sắt từ 2004 đến nay. Gia đình đã nhiều lần lên quận xin giấy phép xây dựng để nâng cấp căn nhà có chỗ trú mưa, bão. Tuy nhiên quận không cho xây dựng mới, hay cơi nới vì nhà nằm trong quy hoạch dự án.

QUẢNG CÁO

“Nếu để tình hình kéo dài mãi thì người dân khu vực này còn chịu khổ dài dài. Chưa kể nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân”, bà Nga nói.

Mòn mỏi sống treo tại dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng - Ảnh 1.

Tương tự, ông Nguyễn Thiện Sinh, là tổ trưởng tổ 36, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho biết, trận lũ ngày 14/10 vừa qua, gia đình thiệt hại rất lớn về tài sản, hầu hết đồ đạc đều bị hư hỏng. Cả tổ có khoảng 220 hộ dân, trận lụt vừa qua khiến tất cả đều bị ngập sâu, có nơi nước ngập tận 2m. Đặc biệt, nhà cửa ở khu vực này hầu hết là nhà cấp 4, nhiều căn đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều năm không được sửa chữa, nâng cấp.

“Nhiều năm qua, chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi, xin được sửa nhà, tách thửa nhưng đều không được vì sống trong khu vực quy hoạch treo. Ban đầu là dự án ga đường sắt được quy hoạch từ năm 2004, thì nay đã được quy hoạch sang vị trí khác. Chưa xong dự án ga thì đến nay lại thêm dự án đường Vành đai phía Tây 2 cũng đi qua khu vực này”, ông Sinh than phiền.

Mòn mỏi sống treo tại dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng - Ảnh 2.

Đợt lụt vừa rồi, nhà ông Huỳnh Kim Hiến nước ngập hơn 1,5m. Ảnh: Thành Vân.

Cũng tại quận Liên Chiểu, gia đình ông Huỳnh Kim Hiến (tổ 129 phường Hòa Minh) hiện đang có 9 người sinh sống trong căn nhà chật hẹp.

Ông Hiến cho biết, căn nhà của mình nằm trên quy hoạch đường sắt mới, đến đầu năm 2021 lại được kiểm kê cho dự án đường Vành đai phía Tây 2. Do đó, việc tác thửa, sửa chữa hay xây mới đều không được thực hiện. Việc này khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

“Người dân ở đây chỉ mong muốn, thành phố sớm có phương án giải quyết các quy hoạch treo. Nếu triển khai dự án thì sớm đưa người dân đến khu tái định cư mới để ổn định cuộc sống. Còn không làm dự án thì cho phép người dân xây dựng nhà kiên cố để chống bão lụt”, ông Hiến cho hay.

Điều chỉnh quy hoạch nhưng dân vẫn phải chờ

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho biết, tổng diện tích của phường rộng khoảng 10,2km2, có hơn 10.000 hộ dân sinh sống. Đến nay, trên địa bàn phường có đến 25 dự án đã và đang triển khai và có hơn 50% hộ dân bị ảnh hưởng.

“Dự án ga đường sắt được quy hoạch vào năm 2004, do nằm trong dự án này nên cơ sở hạ tầng như hệ thống thoát nước, đèn điện chiếu sáng, đường xá… chưa được đầu tư hoặc đầu tư rất hạn chế. Đặc biệt, nhà ở của người dân, do nằm trong quy hoạch của dự án nên họ không được cải tạo, xây dựng làm kiên cố”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, nhu cầu sửa chữa, xây dựng nhà ở trên địa bàn phường là rất lớn. Tuy nhiên, quy định pháp luật là nhà cửa trong vùng quy hoạch không được phép sửa chữa, cơi nới.

Mòn mỏi sống treo tại dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng - Ảnh 3.

Hàng nghìn hộ dân ở dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) không thể xây dựng, sửa chữa nhà. Ảnh: Thành Vân.

Trong khi đó, ông Đinh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cho rằng, đa phần người dân thống nhất bỏ quy hoạch dự án ga đường sắt, tuy nhiên người dân mong muốn thành phố sớm công bố để người dân được biết. Trong đó, nếu chuyển đổi dự án khác thì giải tỏa; còn hủy bỏ để chỉnh trang đô thị thì để người dân được sửa chữa nhà cửa phòng chống thiên tai, bão lũ.

Đối với dự án đường Vành đai phía Tây 2 đang triển khai. Nên việc sửa chữa nhà cửa, nâng cấp của người dân là không thực hiện được bởi địa phương đã kiểm kê nhà cửa của người dân. “Địa bàn phường Hòa Minh có hơn 300 hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai phía Tây 2. Hiện phường đang kiến nghị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng”, ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, trước những kiến nghị của người dân về nhiều nhà cửa có tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, thì phường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét cho những nhà này được sửa chữa, có sự chứng kiến của chính quyền và người dân cam kết thực hiện một số nội dung như không cơi nới, tăng diện tích…

Ông Lê Thế Nhân, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) cho biết, đối với ga đường sắt, việc bỏ quy hoạch ga đường sắt phải song hành với nghiên cứu một dự án khác mang tính đồng bộ, tổng thể. Tuy nhiên, muốn có nhà đầu tư tham gia chỉnh trang đô thị thì còn chờ phụ thuộc vào quy hoạch phân khu đang điều chỉnh.

“Còn dự án đường Vành đai phía Tây 2 đang phụ thuộc vào nguồn vốn của TP. Đà Nẵng, hiện chưa có kế hoạch giải tỏa tiếp theo”, ông Nhân thông tin.

Trước đó, tháng 7/2022, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X (2021 – 2026), Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng phê duyệt thì ga đường sắt mới được di chuyển lên khu vực Bà Nà – Suối Mơ (huyện Hòa Vang).

Đối với vị trí đã quy hoạch ga đường sắt tại quận Liên Chiểu được định hướng sẽ trở thành trung tâm thương mại dịch vụ lớn (trung tâm kinh doanh) của quận Liên Chiểu; gắn liền tuyến giao thông huyết mạch nối dài đường Vành đai phía Tây 2. Hiện nay một số nhà đầu tư quan tâm đến tái thiết khu vực này.

“Dự kiến đồ án phân khu này sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2022. Sau khi có phê duyệt quy hoạch phân khu sẽ làm cơ sở để đề xuất triển khai dự án. Quyền lợi của người dân trong khu vực dự án như cấp phép xây dựng, tách thửa sẽ được đảm bảo”, ông Phong nói.

Theo Thành Vân

Nhà đầu tư

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x