Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Đức Hinh đã báo cáo tờ trình của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư 9.382 tỷ đồng, xây dựng tuyến đường dài 23,04km; trong đó, đoạn đi qua địa phận Thành phố Hà Nội (Km6+680 – Km13+050) dài 6,37km, địa phận tỉnh Hòa Bình (Km13+050 – Km29+719) dài 16,67km.

 Phương tiện lưu thông trên tuyến BOT Hòa Lạc – Hòa Bình. Ảnh: vietnamplus.vn

Tỉnh Hòa Bình lựa chọn phương án đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc với quy mô 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h (giải phóng mặt bằng địa phận Thành phố Hà Nội theo quy mô chỉ giới xây dựng cao tốc 6 làn xe hoàn chỉnh; địa phận tỉnh Hòa Bình theo quy mô mặt cắt ngang quy hoạch hoàn chỉnh bề rộng từ 8 đến 110m); tận dụng 2 làn xe hiện tại, xây dựng đảm bảo quy mô 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, các đoạn đường gom cần thiết để kết nối hai bên tuyến; tận dụng tối đa kết cấu đường hiện tại; tính toán tầm nhìn dài hạn lưu lượng giao thông tới năm 2045.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình là công trình rất quan trọng, tác động tới sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương và vùng Tây Bắc, tạo hành lang kinh tế của vùng cũng như quy mô, hình thức triển khai dự án theo hình thức PPP và chủ trương bố trí vốn ngân sách địa phương triển khai dự án.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, đây là dự án rất quan trọng của tỉnh Hòa Bình và khi hoàn thành sẽ đồng bộ kết cấu hạ tầng hệ thống tuyến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, giao thương đi lại thuận lợi. Bên cạnh đó, còn là tuyến đường huyết mạch quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.

Đồng thời, yêu cầu các cấp, ngành thực hiện với quyết tâm cao nhất để đạt được mục tiêu từ Hòa Bình về Hà Nội chỉ mất 30 phút. Cùng đó, Ban chấp hành, Ban cán sự UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, sớm triển khai dự án theo kế hoạch.

“Khi nào được đồng ý tổ chức triển khai thực hiện, việc đầu tiên cần làm là thủ tục phải nhanh và quyết liệt. Riêng vấn đề giải phóng mặt bằng phải huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận để tổ chức thi công nhằm đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ”, ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.