Luật mới chưa có hiệu lực nên chưa giải quyết ngay được khó khăn của bất động sản

(KTSG Online) – Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi…

Fatz Admin lúc 2024-03-12

(KTSG Online) – Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành. Báo cáo tại hội nghị Bộ Xây dựng cho rằng, các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc của thị trường ở thời điểm hiện tại.

Hàng trăm dự án đang được tháo gỡ

Theo thông tin từ baochinhphu.vn, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo về kết quả triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác trong năm qua. Bộ này cho biết đã làm việc lần lượt với các địa phương, bao gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định…, cùng với đó là các doanh nghiệp.

QUẢNG CÁO

Thành lập tổ công tác của địa phương để rà soát, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30-6.

Trong năm 2023, tổ công tác đã nhận được 142 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị liên quan đến 191 dự án bất động sản.

Cụ thể, tổ công tác đã xem xét, xử lý 142 văn bản. Trong đó, có 129 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Có 13 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thị trường
các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Riêng trong hai tháng đầu năm, tổ công tác nhận được 4 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị liên quan đến 4 dự án bất động sản và đã xem xét, xử lý 4 văn bản.

Tại TPHCM, tổ công tác đã nhận được 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và đã có 37 văn bản liên quan đến 72 dự án gửi UBND TPHCM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.

Theo báo cáo, thành phố đã triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do tổ công tác yêu cầu, đã triển khai giải quyết 44/148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TPHCM tổng hợp kiến nghị. Thành phố hiện đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án (39 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác Bộ Xây dựng và các bộ, ngành; 104 dự án theo tổng hợp kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TPHCM).

Tại Hà Nội hiện có 404 dự án, qua rà soát phân loại khó khăn, vướng mắc, thành phố đã giải quyết 81 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án (đã có quyết định kéo dài thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng do nguyên nhân khách quan) tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hiện tại, Thành phố đang tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn.

Tại Hải Phòng, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết thành phố đã giải quyết tháo gỡ được 11/15 dự án có khó khăn, vướng mắc; 4 dự án còn lại đang tiếp tục được tháo gỡ theo quy định.

Tại Cần Thơ, thành phố đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 34 dự án, trong đó 22 dự án khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng; 8 dự án khó khăn về xác định giá thu, tính tiền sử dụng đất.

Tại Bình Định, Bộ Xây dựng cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn với 26 dự án (gồm 19 dự án khu đô thị, 7 dự án nhà ở xã hội) và đang tiếp tục tháo gỡ cho 16 dự án.

Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Mặc dù nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế trong các luật mới được Quốc hội thông qua tháo gỡ. Tuy nhiên các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc tại thời điểm hiện nay.

Một số địa phương chưa thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn theo quy định, chưa tích cực trong việc giải quyết tháo gỡ khó khăn. Việc giải quyết tại nhiều địa phương chủ yếu dừng ở việc chuyển văn bản cho các sở, ngành liên quan xem xét chưa có kết quả giải quyết cụ thể, triệt để.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho biết còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực thi pháp luật. cụ thể như tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định; chưa rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai.

Đồng thời chưa tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở; chưa tập trung đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất…; chưa chú trọng cải cách thủ tục hành chính dẫn đến kéo dài hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn.

Kiểm soát rủi ro đầu cơ, thổi giá

Baochinhphu.vn dẫn thông tin tại cuộc họp cho biết, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng đã tập trung thảo luận các giải pháp nhằm xác định mức giá hợp lý cho nhà ở thương mại phân khúc cao cấp; đánh giá thị trường BĐS dành cho khách hàng có thu nhập trung bình và thấp.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, lĩnh vực bất động sản “luôn đi cùng” với ngành ngân hàng và liên quan tới hàng loạt lĩnh vực khác như sản xuất, vật tư, vật liệu xây dựng… Ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro mà đối với ngành này là đầu cơ và thổi giá khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ.

Báo cáo một số vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng, đại diện NHNN cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây cần tạo điều kiện cho “cầu tiếp cận được nguồn cung” và đẩy mạnh nguồn cung, trên cơ sở đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung-cầu cũng như với các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.

Đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank, UBND TP. Hà Nội… cho biết khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỉ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…

Một số doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…

Lãnh đạo các Bộ Tài chính, TN&MT, KH&ĐT, Thanh tra Chính phủ đã trao đổi, làm rõ về các kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương về xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất; thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; điều chỉnh chủ trương đầu tư khi dự án chỉ có quyết định giao đất nhưng không có quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở, pháp luật về đô thị; đấu thầu dự án có phần đất công xen kẽ… Cho phép chấp thuận chủ trương đồng thời lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp đã có quyền sử dụng “đất khác” không phải đất ở; các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về nhà ở, đô thị; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo lại chung cư cũ…

 

Bình Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.