Chương trình có quy mô 80 gian hàng và các khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gốm sứ, khu trình diễn của các nghệ nhân để du khách có thể tham quan, trải nghiệm thực tế.

Chương trình nhằm kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc chương trình. 

Tham gia chương trình, đại diện cơ sở sản xuất gốm sứ Tuyết Công (làng Kim Lan) cho biết, để hướng tới sản xuất tiêu dùng bền vững, các cơ sở sản xuất trong làng đều đã chuyển đổi từ lò than sang lò gas để nung gốm.

Tuy đầu tư lò gas tốn rất nhiều chi phí nhưng bù lại đã giúp giảm lượng khí thải CO2, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, không còn xỉ than thải ra môi trường. Bên cạnh đó, việc chuyển sang lò gas còn giúp tăng cao năng suất và chất lượng sản phẩm so với sử dụng lò than truyền thống, mang lại hiệu quả cao.

Trong quá trình đóng gói sản phẩm, các cơ sở sản xuất cũng lựa chọn thùng bìa carton thân thiện môi trường để đóng gói, hạn chế sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần.

Khách tham quan tìm hiểu về sản phẩm gốm sứ. 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Hoàng Minh Lâm cho biết, chương trình được tổ chức giúp bảo tồn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát huy và giữ gìn cho ngành gốm sứ phát triển bền vững và ổn định.

Bên cạnh đó, góp phần hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm gốm sứ nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Các nghệ nhân, thợ gốm trao đổi về cách thức sản xuất. 

Làng nghề Hà Nội đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, sản xuất tại các làng nghề đang gây ra nhiều vấn đề tác động, ảnh hưởng không tốt đến môi trường.

Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp trong các làng nghề, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều chuỗi kết nối sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các ngành sản xuất sản phẩm các làng nghề như: ngành sơn mài, ngành mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, ngành chế biến nông sản…

Trao giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chương trình. 

TP Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng tiếp tục đăng ký tham gia Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên.

Chương trình Kết nối “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành gốm sứ năm 2024″ sẽ diễn ra đến hết ngày 8-9.

Tin, ảnh: LÂM HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.