Buổi làm việc nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, các ý kiến đóng góp từ các hội, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản để giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để thúc đẩy ngành lâm nghiệp, đặc biệt là sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản phát triển trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi làm việc chiều 18-1. |
Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết: Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2023 đạt 14,07 tỷ USD, mặc dù không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra do khó khăn từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, nhưng ngành lâm nghiệp vẫn đạt con số xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay khi đạt con số khoảng 12,19 tỷ USD, đóng góp tích cực tăng trưởng và xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.
Sản xuất, chế biến đồ gỗ ở Công ty Tân Vĩnh Cửu, Biên Hòa, Đồng Nai. |
Nguyễn Bá Ngãi, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam cho rằng, việc tổ chức buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT với các hội, hiệp hội nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin là rất cần thiết, góp phần giúp ngành lâm nghiệp nước ta phát triển tốt hơn. Thông qua các buổi làm việc, các cơ chế, chính sách được kịp thời kiến nghị đề xuất với Bộ NN-PTNT, Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các chủ rừng làm tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Ông Cao Chí Công, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ: Cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đánh giá cao sự giúp đỡ của Bộ NN-PTNT trong năm 2023, đặc biệt Bộ đã tham mưu, tổ chức buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Hiệp hội, qua đó Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ được vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ cũng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cần kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc 2 cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cần nghiên cứu kỹ lưỡng các đề xuất, kiến nghị của các hội, hiệp hội để có những giải đáp thắc mắc, hỗ trợ kịp thời cho các hội, hiệp hội trong lĩnh vực lâm nghiệp và doanh nghiệp. Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sáng ngày 18-1, trong có Điều 248 đặt ra yêu cầu phải sửa đổi những vướng mắc trong Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới.
Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.