(Chinhphu.vn) – Ga tàu lửa Trảng Bom (Đồng Nai) vừa cho khởi hành chuyến tàu đầu tiên đưa 16 bồn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nam ra Bắc. Đây là bước đột phá quan trọng của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Tổng Công ty…
Chuyến tàu này chở 16 ISO Tank (khoảng 300 tấn LNG hoá lỏng), dự kiến đến Ga Đông Anh chiều 9/9. Các ISO Tank được nạp LNG tại Kho cảng LNG trung tâm Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu) được vận chuyển bằng đường bộ tới ga Trảng Bom.
Đây cũng là chuyến tàu đầu tiên PV GAS thí điểm sử dụng loại hình vận tải đa phương thức (kết hợp đường bộ, đường sắt) vận chuyển LNG từ Nam – Bắc. Trước đó, từ tháng 3/2024, việc chuyên chở LNG bằng ISO Tank được đơn vị thực hiện chủ yếu bằng cách sử dụng xe bồn, chủ yếu cung cấp cho thị trường miền Nam và các tỉnh Nam Trung Bộ.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2024, mỗi tháng VNR sẽ chuyên chở khoảng từ 60 đến 120 ISO Tank từ Nam ra Bắc.
Nói về dấu mốc quan trọng cho ngành công nghiệp khí tại Việt Nam, đại diện PV GAS cho biết, 16 bồn chứa LNG này sẽ được đưa về ga Đông Anh, Hà Nội và sẽ được xe chuyên dụng vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
“Sự kiện đoàn tàu chở 16 bồn LNG từ Nam ra Bắc đánh dấu việc PV GAS hoàn thiện chuỗi cung ứng năng lượng khí bằng đường ống, đường thủy, đường bộ và đường sắt, tạo ra một hệ thống cung ứng năng lượng toàn diện, linh hoạt và rộng khắp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để PV GAS phát triển các dịch vụ và hoàn thiện giải pháp năng lượng mới đa dạng, đáp ứng nhu cầu năng lượng của khách hàng, phục vụ phát triển kinh tế và xã hội”, đại diện PV GAS nói.
Bên cạnh nhiệm vụ mở rộng bản đồ cung của PV GAS thì hoạt động kinh doanh LNG bằng đường sắt/xe bồn còn góp phần phát triển nguồn năng lượng LNG sạch (giảm 30% lượng phát thải CO2 so với than đá và 40% so với dầu mỏ).
Ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho rằng, chiến dịch triển khai mô hình kinh doanh này của PV GAS đã mở ra một chương mới của ngành vận tải đường sắt và ngành công nghiệp khí. Chuyến tàu chở LNG đầu tiên sẽ được ưu tiên lưu thông trên toàn tuyến để đảm bảo tiến độ. Thời gian vận chuyển từ Nam ra Bắc dự kiến trong 3 ngày.
Phan Trang