Làm rõ khả năng cân đối vốn đầu tư cao tốc Nha Trang – Đà Lạt

(KTSG Online) – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về việc đầu tư dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt. Trong đó, bộ đề nghị địa phương cần bổ sung đánh giá về nguồn vốn và khả năng cân đối…

Fatz Admin lúc 2024-12-25

(KTSG Online) – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về việc đầu tư dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt. Trong đó, bộ đề nghị địa phương cần bổ sung đánh giá về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Phối cảnh của dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt. Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải

Theo quy hoạch, tuyến đường Nha Trang – Liên Khương, với tổng chiều dài 99 km, sẽ bắt đầu từ huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa và kết thúc tại cao tốc Liên Khương – Prenn, TTXVN đưa tin.

UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đề xuất ưu tiên triển khai đoạn tuyến Nha Trang – Đà Lạt dài 80,8 km với quy mô 4 làn xe và vận tốc thiết kế 80-100 km/h, đáp ứng nhu cầu giao thông hiện tại và tương lai của khu vực. Đoạn còn lại dài 18,2 km sẽ đầu tư khi có nhu cầu và cân đối về nguồn lực.

QUẢNG CÁO

Tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 25.058 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục chính như giải phóng mặt bằng với 1.171 tỉ đồng, xây dựng và thiết bị với 18.889 tỉ đồng, quản lý dự án và tư vấn với 1.511 tỉ đồng, lãi vay với 427 tỉ đồng và chi phí dự phòng với 3.060 tỉ đồng.

Thời gian thực hiện dự án trong vòng 5 năm. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ năm 2024-2025, giai đoạn đầu tư xây dựng từ năm 2026-2028.

Bộ GTVT cho rằng, quy mô đầu tư dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Theo nghiên cứu, lưu lượng xe trên tuyến đường này sẽ tăng đáng kể trong những năm tới và vượt quá khả năng của tuyến đường hiện hữu. Do đó, việc đầu tư xây dựng đường 4 làn xe là cần thiết, đáp ứng nhu cầu giao thông trong tương lai.

Địa phương đã đề xuất nhiều phương án để huy động vốn cho dự án, bao gồm việc xin hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ xem xét ưu tiên bố trí nguồn vốn cho dự án này trong giai đoạn 2026-2030, nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả của dự án.

Ngoài ra, các địa phương chưa báo cáo về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án nên bộ chưa có cơ sở xem xét, đánh giá việc triển khai đầu tư dự án trước năm 2030. Các địa phương cần bổ sung đánh giá về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đánh giá suất đầu tư của dự án, khoảng 290 tỉ đồng/km, cao hơn so với dự án tương tự là dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và suất đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành. Vì vậy, cơ quan quản lý khuyến cáo cần rà soát kỹ lưỡng và điều chỉnh lại tổng mức đầu tư để đảm bảo tính hợp lý.

Thực hiện theo chủ trương phân cấp, phân quyền của Chính phủ và nhằm tăng cường vai trò của địa phương trong đầu tư xây dựng, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt theo hình thức PPP.

Bộ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai báo cáo theo những lưu ý đã được nêu và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Gia Nghi

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.