Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó giám đốc Học viện Tài chính chia sẻ: Tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm khá mạnh, đặc biệt là giá các mặt hàng năng lượng, phân bón. Vì vậy, hội thảo sẽ phân tích rõ hơn diễn biến của thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm 2023, những yếu tố cơ bản, những nguyên nhân chủ yếu tạo nên bức tranh thị trường trong thời gian qua bởi các chuyên gia kinh tế.

 PGS, TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo.

 

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Đây là chỉ số CPI tương đối thấp trong điều kiện lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn cao và giá cả nhiều mặt hàng như nguyên, nhiên vật  liệu đầu vào của nền sản xuất tăng cao.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, Học viện Tài chính nhận định: Tổng cầu yếu, cung tiền tăng trưởng chậm, lãi suất thực cao, tỷ giá và giá dầu khó tăng mạnh sẽ kiềm chế lạm phát trung bình trong năm 2023 ở mức thấp, dự báo khoảng 2,5%. 

3 yếu tố “kìm” đà tăng của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 được TS Nguyễn Đức Độ chỉ ra gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng cung tiền ở mức thấp, lãi suất thực ở mức quá cao.

So với các nước châu Á, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi lạm phát tháng 6-2023 tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát tháng 5-2023 của Trung Quốc tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; Thái Lan tăng 0,53%; Hàn Quốc tăng 3,3%; Indonesia tăng 4,0%; Philippines tăng 6,1%; Lào tăng 38,86%.

 Quang cảnh hội nghị.

Lý giải về điều này, PGS, TS, Nguyễn Bá Minh, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho biết: “Giá xăng dầu, giá gas trong nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước trong khi giá vật liệu xây dựng trong nước liên tục tăng, như giá thép có tới 6 lần tăng liên tiếp làm kiềm chế tốc độ tăng của CPI. Bên cạnh đó, công suất nền kinh tế dư thừa tạo áp lực ghìm giá cả của một số mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm cũng như hàng tiêu dùng thiết yếu”.

Với kịch bản này, PGS, TS, Nguyễn Bá Minh dự báo về tình hình lạm phát 6 tháng cuối năm 2023 sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1-2023 nhờ nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, duy trì ở mức dưới 4,5% như Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.

Chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú thì nhận định, bức tranh toàn cảnh CPI 6 tháng cuối năm 2023 sẽ đạt ở mức 3,8- 4%, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát…

Tin, ảnh: HỒNG PHÚC