Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT): Năng suất lúa ở ĐBSCL hiện đạt khoảng 6,2 tấn/ha, đây là mức năng suất cao trên thế giới, khả năng gia tăng năng suất và sản lượng lúa của Việt Nam sẽ giảm dần do gần chạm ngưỡng năng suất và sản lượng.  Với 1 triệu ha lúa trong đề án là thực hiện đa mục tiêu, mục tiêu đầu tiên là phải thích ứng được với biến đổi khí hậu. Mục tiêu thứ hai là giảm lượng khí mê tan (một trong những loại khí nhà kính) do canh tác lúa gây ra, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam. Tạo ra thu nhập cao hơn cho người trồng lúa. Để thực hiện các mục tiêu này, việc canh tác lúa cần phải tuân thủ theo quy trình sản xuất tốt (GAP), chẳng hạn “Một phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa xác nhận, 5 giảm: Nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, thất thoát sau thu hoạch). Đây là những thách thức lớn đối với ngành hàng lúa gạo đặc biệt là lúa gạo ở ĐBSCL, do đó, cần có sự tham gia tích cực của người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo chiều ngày 29-3. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh tới mục tiêu của đề án này là nhằm chuyển đổi căn bản hệ thống sản xuất lúa ở các tỉnh khu vực ĐBSCL. Cùng với đó, góp phần giúp thay đổi với tư duy sản xuất của nông dân ĐBSCL gắn với giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo của Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng bày tỏ mong muốn để thực hiện đề án thành công cần có sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức tín dụng và tổ chức quốc tế để đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ triển khai thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Tin, ảnh:  NGUYỄN KIỂM