Tuy nhiên, tốc độ gia tăng doanh nghiệp hiện nay đang có dấu hiệu chững lại. Vậy làm gì để đạt được mục tiêu nêu trên? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Tốc độ gia tăng doanh nghiệp hiện nay đang chững lại do nguyên nhân gì, thưa ông?
TS Vũ Đình Ánh: Hiện nay, Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 800.000 doanh nghiệp. Đặc biệt, trong quý I năm nay, cả nước có khoảng 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57.000 doanh nghiệp được thành lập. Số lượng doanh nghiệp “biến mất” lớn hơn số doanh nghiệp thành lập, nên để đạt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp là khá khó khăn.
TS Vũ Đình Ánh. Ảnh: QUANG DUY |
Nguyên nhân khách quan và cơ bản nhất khiến số lượng doanh nghiệp hiện nay không tăng là do tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi. Liên tiếp trong năm 2020 và 2021, tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh sụt giảm. Ngoài ra, hoạt động khởi nghiệp cũng như các hoạt động đầu tư, phát triển liên quan đến công nghệ 4.0 của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Các doanh nhân, doanh nghiệp không nắm bắt được tốt những cơ hội để phát triển ngành nghề liên quan đến công nghệ, do đó số lượng doanh nghiệp không tăng như kỳ vọng.
Về nguyên nhân chủ quan, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 và 2021 xuống thấp, việc thành lập mới các doanh nghiệp thậm chí có năm không theo kịp so với tốc độ doanh nghiệp đang trong tình trạng phá sản, giải thể hoặc tạm dừng hoạt động. Cùng với đó, các chính sách về cải cách kinh tế vĩ mô cũng như môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư mặc dù có cải thiện nhưng chưa thực sự thông thoáng về mặt pháp lý và điều kiện kinh doanh cũng như các thủ tục, cơ chế để xuất hiện những doanh nghiệp mới.
Mặt khác, trước đây, Việt Nam dự định chuyển một bộ phận trong số hàng triệu các hộ sản xuất, kinh doanh sang thành các doanh nghiệp. Nếu làm được điều đó thì con số 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 mà chúng ta mong muốn chắc chắn là có. Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu chính sách và cơ chế cụ thể để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Do đó, đến nay, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu trên.
PV: Mục tiêu Việt Nam phấn đấu có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 có khả thi hay không, phụ thuộc vào những yếu tố gì, thưa ông?
TS Vũ Đình Ánh: Việc Việt Nam phấn đấu có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 có khả thi hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Loại trừ yếu tố khách quan từ tình hình thế giới thì việc đạt được mục tiêu kể cả về số lượng cũng như những đóng góp của các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân vào nền kinh tế phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Chính sách này hỗ trợ từ vấn đề thành lập doanh nghiệp mới, quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cho tới việc doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường. Các chính sách này phải theo đúng thông lệ và chuẩn mực, phù hợp với tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam. Ảnh: QUANG DUY |
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, khối doanh nghiệp tư nhân chưa được tạo nhiều điều kiện phát triển như khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Vũ Đình Ánh: Khối doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm số lượng rất lớn nhưng chưa được đối xử một cách công bằng và bình đẳng. Doanh nghiệp FDI có ưu đãi về đất đai, về lực lượng lao động vì được coi là một bộ phận có công nghệ và nguồn lực tài chính. Trong khi đó, tâm lý của một bộ phận quản lý nhà nước vẫn coi khối doanh nghiệp tư nhân là tự phát, khó quản lý, thậm chí là nhỏ lẻ, manh mún. Chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân còn khắt khe, kể cả việc thành lập mới doanh nghiệp cũng như quá trình hoạt động của họ, kéo theo đó là chi phí tuân thủ pháp luật của khu vực kinh tế tư nhân cao hơn nhiều khu vực kinh tế nhà nước và khu vực FDI.
PV: Vậy để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
TS Vũ Đình Ánh: Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần phải đổi mới, sắp xếp khu vực doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta cần có các cơ chế, chính sách thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực tài chính, tiếp cận đất đai, mở rộng thị trường. Mặt khác, doanh nghiệp muốn trụ vững thì phải tiếp cận được vấn đề kinh tế số, kinh tế xanh, áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt là vận dụng được các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này sẽ quyết định không chỉ số lượng các doanh nghiệp mới mà còn nâng chất lượng cho doanh nghiệp, tránh hiện tượng chạy theo số lượng mà không bảo đảm về mặt chất lượng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
LA DUY (thực hiện)