Theo đó, so với cùng kỳ năm 2024, tình hình kinh tế tại TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận nhiều số liệu tăng trưởng tích cực như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,2%, thể hiện sức tiêu dùng nội địa tăng trưởng; kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng hơn 5,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 15%, các doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II năm 2025.
Cùng với đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan, đạt mức tăng trưởng ấn tượng 23,4% với tổng vốn đầu tư hơn 567 triệu USD. Thành phố đã cấp phép cho 267 dự án FDI mới và chấp thuận 435 lượt góp vốn, mua cổ phần, cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại đây. Tuy nhiên, kinh tế nội địa lại có phần trầm lắng hơn khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm gần 40%, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại có xu hướng gia tăng. Điều này phản ánh rõ nét những khó khăn về thị trường và nguồn vốn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang phải đối mặt.
Tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh trong quý I năm 2025 đạt mức cao nhất từ năm 2020 đến nay. Ảnh: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn |
Nói về tình hình kinh tế tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Mặc dù mức tăng trưởng 7,51% trong quý I năm 2025 là một con số đáng khích lệ, cao nhất kể từ năm 2020 đến nay, nhưng cần nhìn nhận đây chỉ là một “thông số để động viên”. Sau những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, thành phố đã nỗ lực phục hồi và đạt được những kết quả tương đối vào năm 2024 và năm 2025 đánh dấu sự khởi đầu đáng mừng. Đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá cao sự cố gắng và đóng góp của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời bày tỏ, những kết quả đạt được là “điểm sáng” quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo của thành phố.
Trên đà phát triển, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, TP Hồ Chí Minh xác định mục tiêu trọng tâm là đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội, huy động tối đa các nguồn lực phát triển. Trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là động lực then chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thành phố tập trung triển khai hiệu quả đề án huy động nguồn lực xã hội, phấn đấu huy động trên 620.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển hạ tầng trong năm 2025. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặt mục tiêu đạt trên 95% kế hoạch vào cuối năm. Bên cạnh đó, thành phố cam kết cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, rút ngắn ít nhất 30% thời gian xử lý cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, thu hút thêm các dự án mới.
PHƯƠNG NAM
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.