Toàn cảnh buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) cho biết: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của ngành nông nghiệp Quý I năm 2023 ước đạt 2,52% so với cùng kỳ 2022; trong đó, nông nghiệp tăng 2,43%, lâm nghiệp tăng 3,66% và thủy sản tăng 2,68%. Giá trị sản xuất của ngành trồng trọt trong 3 tháng đầu năm 2023 tăng khoảng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,5% tỷ trọng giá trị sản xuất (GTSX) của lĩnh vực nông nghiệp chung; trong đó, đến nay đã thu hoạch đạt 1.355,4 nghìn ha lúa, tăng 5,9%, năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6%.

Về chăn nuôi, từ đầu năm 2023 đến nay mặc dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt nhưng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Giá trị sản xuất quý I tăng khoảng 4,69%, chiếm 35,2% tỷ trọng giá trị sản xuất (GTSX) của ngành nông nghiệp, với sản lượng thịt hơi các loại chính đạt trên 1,9 triệu tấn, tăng 6,0% so cùng kỳ năm trước (CKNT).

Về lâm nghiệp, từ đầu năm đến nay thời tiết tương đối thuận lợi đối với hoạt động trồng rừng và khai thác rừng trồng trên cả nước, nhờ vậy tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp khá cao, ước đạt 3,66% so với CKNT. Về thủy sản, tăng trưởng lĩnh vực thủy sản quý I khoảng 2,68% so với CKNT. Tổng sản lượng thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 1.889,2 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Rau quả và trái cây là một trong những mặt tăng trưởng xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2023. (Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) 

Về xuất, nhập khẩu, theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng các mặt hàng nông nghiệp 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với CKNT; trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với CKNT; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với CKNT, trong đó, xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2023 kim ngạch ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với CKNT. Những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn CKNT, như: gạo 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả và trái cây 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa 33,3 triệu USD (tăng 22,2%); thịt, phụ phẩm 37 triệu USD (tăng 80,1%),…

Lý giải về tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp bị suy giảm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay: Những tháng đầu năm xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chịu tác động từ các thị trường, gồm cả thị trường xuất khẩu lẫn thị trường nội địa đều giảm cầu. Xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam bị sụt giảm là do tiếp tục chịu ảnh hưởng của lạm phát kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những khó khăn này đã được Bộ NN-PTNT dự báo trước, vì thế Bộ đã chủ động, kịp thời triển khai nhiều giải pháp ứng phó đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo để thích ứng, đặc biệt chú trọng đến quan tâm xúc tiến mở rộng thị trường các sản phẩm nông nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục xúc tiến mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp nhằm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu theo kế hoạch năm 2023. 

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM