Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa có khoảng 695ha lúa với 320 thành viên. Tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, các thành viên trong Hợp tác xã làm thí điểm khoảng 50ha.

Theo bà con nông dân, thực hiện mô hình, thành viên Hợp tác xã được tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất gồm: Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo sạ đến thu hoạch; quản lý nước tối đa bằng việc áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ, giảm phát thải; quản lý dịch hại tổng hợp, tối đa bảo tồn đa dạng sinh học, giảm độc hại môi trường, không dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm gạo; áp dụng bón phân theo vùng chuyên biệt, sử dụng phân bón hữu cơ; quản lý rơm rạ theo nguyên lý nông nghiệp tuần hoàn, thu rơm rạ ra khỏi đồng làm nấm rơm, thức ăn cho gia súc, phân hữu cơ. Sau 45 ngày tuổi, diện tích lúa tham gia Đề án nở bụi tốt xanh mướt, ít bị vàng lá, sâu bệnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác tham quan thực địa mô hình sản xuất lúa theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang). 

Kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định bà con nông dân Hợp tác xã đã làm đúng quy trình sản xuất theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đây là thành công và cũng là bước ngoặt mới của Kiên Giang trong sản xuất lúa như giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, nâng cao lợi nhuận. Từ quy trình làm lúa trên sẽ giúp nông dân Kiên Giang chuyển đổi sang sản xuất mới có hiệu quả gắn liền với tiêu thụ. Qua đó, người dân tự biết canh tác, tự liên kết và thực hiện quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải. 

Tin, ảnh: THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.