(KTSG Online) – Liên quan đến đề xuất xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp vào các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu…
(KTSG Online) – Liên quan đến đề xuất xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp vào các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (chương trình DPO), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến không đồng ý đưa dự án cầu Ô Môn vào chương trình này.
Theo một nguồn tin của KTSG Online, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc không đưa dự án nêu trên vào chương trình DPO là nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hiện có trên địa bàn ĐBSCL.
Hiện tại, có 16 dự án thuộc chương trình DPO được 13 địa phương vùng ĐBSCL cùng hai bộ là Giao thông Vận tải và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị này sẽ xem xét, cân nhắc xử lý dự án xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối giữa Cần Thơ và Đồng Tháp như một dự án độc lập trong một thời điểm khác.
Đứng ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, việc đầu tư xây dựng dự án nêu trên là rất cần thiết. Thành phố hiện có dự án 1 (dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu TP Cần Thơ) nhận được sự nhất trí cao là nâng cấp quốc lộ 61C từ Cần Thơ đi Hậu Giangm kết nối huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) và nối liền qua tỉnh Đồng Tháp tạo thành một trục kết nối hoàn chỉnh trong vùng. Vì vậy, nếu không đầu tư cầu Ô Môn thì trục này sẽ bị chia cắt.
“Không lẽ lại đi làm phà nữa?”, ông nói và đề xuất, các bộ, ngành cùng những đơn vị liên quan xem xét đưa dự án vào chương trình DPO để sớm tạo thành trục hoàn chỉnh.
Trước đó, vào ngày 20-2, UBND thành phố Cần Thơ đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính đề nghị xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối Cần Thơ và Đồng Tháp.
Theo đó, dự án xây dựng cầu Ô Môn có tổng mức đầu tư hơn 9.187 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay từ Chính phủ Nhật Bản là 7.276 tỉ đồng còn lại là vốn ngân sách của Cần Thơ cùng các nguồn hợp pháp khác.
Được biết, cầu Ô Môn nằm trong tổng thể tuyến liên kết vùng từ Kiên Giang đi Cần Thơ qua Đồng Tháp, Vĩnh Long. Dự án bắt đầu tư nút giao quốc lộ 54 (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) vượt sông Hậu sang quận Ô Môn tại điểm giao với đường tỉnh 920, có tổng chiều dài 5,4 km.
Phương án được đưa ra là xây dựng cầu dây văng dầm thép liên hợp với khẩu độ nhịp chính là 450 mét. Cầu có quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và dải phân cách ở giữa, bề rộng mặt cầu 26,5 mét; vận tốc thiết kế 80 km/giờ; chiều rộng thông thuyền 300 mét, cao 30 mét, riêng phạm vi 110 mét ở giữa thông thuyền cao 37,5 mét.
Cần Thơ đề xuất thời gian thực hiện dự án từ 2023-2030. Trong đó, từ 2023-2026 thực hiện lập và trình phê duyệt dự án, bồi thường, tái định cư và thẩm định lựa chọn nhà thầu. Dự án khởi công vào năm 2027 và hoàn thành vào năm 2030.
Kinh tế Sài Gòn Online