(Chinhphu.vn) – Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đã đi được nửa chặng đường và chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng vượt khá xa, tăng trưởng xuất khẩu hằng năm đều đạt 2 con số. Do đó, thời điểm này chưa bàn tới câu chuyện về…
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã thông tin tới báo chí về chiến lược xuất khẩu của Việt Nam – Ảnh: VGP/PT
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Công Thương, trả lời câu hỏi liên quan đến chiến lược xuất nhập khẩu bền vững, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đặt ra một số chỉ tiêu quan trọng; nhất là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm và tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm trong thời kỳ 2021-2030.
“Tại thời điểm này chúng ta đã đi được nửa chặng đường, về cơ bản chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng vượt khá xa, tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt 2 con số”, ông Trần Thanh Hải thông tin.
Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, yêu cầu đặt ra trong chiến lược xuất nhập khẩu là đạt cân bằng về cán cân thương mại (giai đoạn trước đây bị thâm hụt thường xuyên cho đến năm 2012 mới khởi sắc). Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương thực hiện chiến lược này tương đối ổn khi liên tục duy trì cán cân thương mại có sự gia tăng, cụ thể năm 2024 đạt thặng dư 24 tỷ USD.
Lũy kế quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu.
Minh chứng, cơ cấu mặt hàng và thị trường cân đối, hài hoà thể hiện gia tăng tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Đây là mặt hàng đem lại giá trị gia tăng cao, tỷ trọng xuất khẩu cao, trong đó, tỷ trọng này đặt ra là 88%. Nhóm mặt hàng này đang bứt phá đạt chỉ tiêu.
Cơ cấu thị trường trong chiến lược đặt ra vào năm 2025 tỷ trọng xuất khẩu vào châu Âu đạt 16-17%, châu Mỹ 32%. Năm 2024, xuất khẩu vào châu Âu chiếm 15,3%, châu Mỹ 33,9% vừa khớp với mục tiêu đặt ra trong chiến lược.
Ở chiều ngược lại, tỷ trọng về nhập khẩu chiến lược đặt ra 8-9% vào châu Âu, châu Mỹ 10-11%, hiện nay chúng ta đang đạt 6% vào châu Âu, 7% châu Mỹ.
Trong thời gian qua, khu vực ASEAN, Đông Á, đặc biệt là khu vực Trung Đông nằm trong khu vực nguồn cung nguyên liệu rất quan trọng cho Việt Nam trong phát triển hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp năng lượng. Nhập khẩu châu Á chiếm tỷ trọng rất quan trọng. Trong thời gian từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh định hướng về cơ cấu…
Về tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nước ngoài, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ: Hiện nay, nhiều thị trường truyền thống đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí tiềm ẩn rủi ro suy giảm về nhu cầu nhập khẩu. Do đó, việc chủ động khai phá các thị trường mới nổi, thị trường ngách hoặc các thị trường thay thế là yêu cầu cấp thiết. Đây là hướng đi không chỉ nhằm đa dạng hóa thị trường, mà còn giúp chúng ta tăng cường tính bền vững cho kim ngạch xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào một vài thị trường trọng điểm.
“Chúng tôi đặc biệt chú trọng tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Việc khai thác hiệu quả các FTA không chỉ là câu chuyện về giảm thuế, mà còn là nâng cao chất lượng sản phẩm, quy chuẩn hóa và tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Lê Hoàng Tài nói.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động đổi mới cách làm, kết hợp linh hoạt giữa phương thức truyền thống và công cụ công nghệ số như: triển khai các chương trình kết nối giao thương trực tuyến với thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông…; Tổ chức hội chợ ảo, hội thảo online B2B; Đón các đoàn doanh nghiệp quốc tế mua hàng vào Việt Nam, thông qua kết hợp giữa online và offline. Hình thức này vừa tiết kiệm chi phí, vừa mở rộng phạm vi tiếp cận doanh nghiệp trên toàn cầu, phù hợp với xu thế “xúc tiến thương mại không biên giới” của thời kỳ kinh tế số.
Bộ Công Thương đang xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tổ chức hai đợt cao điểm xúc tiến thương mại quốc gia trong năm 2025, theo hướng: Đợt 1 dự kiến triển khai vào giữa năm (tháng 6 – 7/2025); Đợt 2 tổ chức vào cuối năm, gắn với các chu kỳ tiêu dùng cao điểm, mùa lễ hội, du lịch và Tết.
Hai đợt này sẽ kết hợp đồng thời các hoạt động trong nước và quốc tế, bao gồm: Tổ chức hội chợ triển lãm hàng Việt tại các thị trường chiến lược; Kết nối giao thương xuất khẩu theo ngành hàng; Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời điểm này chúng ta chưa vội bàn tới câu chuyện về điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, bởi các giải pháp đặt ra để làm sao có thể vượt qua các thách thức, bên cạnh đó tìm ra những cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam.
“Tại cuộc họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ về việc chúng ta chưa bàn tới việc điều chỉnh mục tiêu từ xuất khẩu, nhập khẩu, kể cả mục tiêu GDP ở mức 8%, tất cả việc này phải rất bình tĩnh để xử lý một cách tổng thể và toàn diện”, Thứ trưởng thông tin.
Phan Trang