(KTSG Online) – Cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 có chiều dài hơn 188 km, tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỉ đồng, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, dự kiến cơ bản hoàn thành năm…
(KTSG Online) – Cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 có chiều dài hơn 188 km, tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỉ đồng, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2026, khai thác đồng bộ năm 2027.
TTXVN đưa tin, sáng 17-6, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với bốn tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. Dự án có chiều dài hơn 188 km, tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỉ đồng, quy mô 4 làn xe, bố trí làn dừng khẩn cấp không liên tục, vận tốc thiết kế 100 km/giờ giai đoạn 1. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Cao tốc chia thành 4 tiểu dự án: dự án thành phần 1 qua tỉnh An Giang và TP Cần Thơ, dài hơn 57 km, tổng mức đầu tư gần 13.800 tỉ đồng; dự án thành phần 2 qua TP Cần Thơ, dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỉ đồng; dự án thành phần 3 qua tỉnh Hậu Giang, dài khoảng 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỉ đồng; dự án thành phần 4 qua tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, dài 57 km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Dự án được đầu tư xây dựng nhằm hình thành trục ngang Đông-Tây cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đi qua 4 địa phương: Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng. Cao tốc này sẽ nối liền với hai cao tốc trục dọc là cao tốc Bắc-Nam phía Đông (CT.01) và cao tốc Bắc-Nam phía Tây (CT.02), kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc – Đông Nam.
Kinh tế Sài Gòn Online