Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hansiba cho biết, mục tiêu là đưa doanh nghiệp Việt Nam bắt tay cùng các doanh nghiệp quốc tế tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không vũ trụ-một lĩnh vực quan trọng đòi hỏi trình độ, công nghệ cao. Phía Tập đoàn Boeing cho biết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng linh kiện, hàng hóa cho tập đoàn. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần các điều kiện tiêu chuẩn quốc tế nói chung và ngành hàng không nói riêng thì mới có thể tham gia chuỗi cung ứng cho Tập đoàn Boeing. 

Đại diện Hiệp hội Hansiba cùng đại diện Tập đoàn Boeing và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chủ trì họp báo.

Tại buổi hội thảo, Công ty ONAGA Nhật Bản cùng các đối tác giới thiệu chứng nhận AS9100 “Hệ thống quản lý chất lượng ngành hàng không” dành cho các công ty Việt Nam đang quan tâm và cân nhắc việc gia nhập ngành công nghiệp hàng không. Đây là một trong chứng chỉ thiết yếu dành cho các doanh nghiệp phụ trợ trong và ngoài nước khi có ý định tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu nói chung và của Tập đoàn Boeing nói riêng. Với chứng chỉ AS9100, các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu.

Ông Onaga Masaru, Chủ tịch Công ty Onaga cho biết, công ty có đặt nhà máy tại Khu công nghiệp Hanssip (Hà Nội). Công ty đang nỗ lực để có thể làm các công đoạn trong cung ứng cho Tập đoàn Boeing, từ đơn giản đến phức tạp hơn, nhưng cần phải có chứng chỉ AS9100. Bên Công ty Onaga Việt Nam đang tiến hành làm thủ tục và dự kiến đến tháng 3-2024 có thể nhận được chứng chỉ AS9100. Thông qua chứng chỉ AS9100 thì các doanh nghiệp có thể sản xuất, đáp ứng các yêu cầu khách hàng, từ đó nâng cao công nghệ, thương hiệu…

Cùng với việc đạt được chứng chỉ, tại hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam còn đặt vấn đề đề nghị các doanh nghiệp, đối tác Nhật Bản tư vấn cho Việt Nam về tiêu chuẩn của nhà máy đủ điều kiện cung ứng cho Tập đoàn Boeing; trong đó bao gồm cả thiết kế của nhà máy, công nghệ, dây truyền và máy móc sản xuất đạt chuẩn ngành hàng không. Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể hỗ trợ cho Việt Nam quy trình, quy chuẩn để sản xuất ra sản phẩm; đào tạo kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp Việt Nam…

Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội còn đề nghị các đối tác Nhật Bản đặt hàng cụ thể các doanh nghiệp Việt Nam sản phẩm gì, chủng loại gì, giá thành ra sao để doanh nghiệp Việt Nam có danh mục để tập trung sản xuất, cùng với doanh nghiệp Nhật Bản.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.