Việc này được giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong quá trình theo dõi, giám sát, Bộ Công Thương nhận thấy, về cơ bản, các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã thực hiện nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan. Các hình thức đề xuất kỷ luật đã được báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Bộ Công Thương cũng tiến hành kiểm điểm các đơn vị có liên quan và tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp triển khai các biện pháp, đặc biệt là chỉ đạo EVN khắc phục hậu quả, thực hiện các giải pháp để tránh lặp lại các sai sót đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra.

Quang cảnh buổi họp báo. 

Thông tin thêm về các hình thức kiểm điểm đối với EVN, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho hay, tại Kết luận thanh tra số 4463/KL-BCT, Bộ Công Thương có ý kiến kết luận EVN và các đơn vị liên quan đến cung cấp điện đã vi phạm 5 nhóm nội dung: Chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; không chấp hành nghiêm các chỉ đạo về công tác chuẩn bị nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng; điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm; vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023; để gián đoạn nguồn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 6-2023. 

Ủy ban đã chỉ đạo Tập đoàn thực hiện kiểm điểm. Hiện EVN đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các vấn đề phát sinh, các giải pháp cần khắc phục. Trên cơ sở đó, đã báo cáo các cơ quan xin ý kiến của cơ quan Thanh tra Bộ Công Thương để đảm bảo việc kiểm điểm đúng với mức độ vi phạm và xin ý kiến Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, EVN đã đề xuất và ra quyết định kỷ luật khiển trách đối với 3 lãnh đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) gồm giám đốc và hai phó giám đốc.

Thực hiện kiểm điểm và ra quyết định kỷ luật khiển trách đối với một Phó tổng Giám đốc EVN phụ trách về điều độ hệ thống điện. Ủy ban báo cáo với cấp có thẩm quyền hình thức kỷ luật đối với nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc EVN.

“Quá trình này đảm bảo bám sát kết luận thanh tra. EVN thực hiện đúng nội dung, nghiêm túc và việc đề xuất các hình thức kỷ luật là phù hợp”, ông Hồ Sỹ Hùng nói.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ tuần trước, liên quan đến các giải pháp đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Thường trực Chính phủ đã kết luận phải đảm bảo tuyệt đối đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Lãnh đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Than – Khoáng sản đều khẳng định sẽ đảm bảo vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời câu hỏi của phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí. 

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng thông tin về chủ động các giải pháp đảm bảo cung ứng điện những tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Theo đó, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đề ra các giải pháp đảm bảo cung ứng, không để thiếu điện, tập trung vào các giải pháp như đảm bảo cung ứng nguyên liệu đầu vào (dầu, khí, than) cho sản xuất điện; đẩy mạnh xây dựng đầu tư các công trình nguồn lưới điện, đặc biệt là các công trình trọng điểm; đảm bảo vận hành an toàn các tổ máy phát điện; điều độ vận hành hệ thống điện đảm bảo chi phí hợp lý; đẩy mạnh tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả; thực hiện cơ chế khuyến khích đầu tư lưới điện mái nhà tự sản, tự tiêu; khẩn trương rà soát và trình ngay kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN nâng cao công tác dự báo, xây dựng các kịch bản đối phó với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và sinh hoạt của người dân.

Về cách tính và điều hành giá điện, Nghị định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân) đã quy định cụ thể các phương pháp lập giá bán lẻ điện bình quân bao gồm chi phí các khâu trong quá trình sản xuất, cung ứng điện như phát điện, truyền tải điện, phân phối, bán lẻ, điều hành quản lý, các dịch vụ phụ trợ đảm bảo phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh của EVN, tính đúng, đủ. Các cơ chế điều hành điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân cũng được quy định rõ trong Nghị định này.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, điện là loại hàng hóa có mặt trong hầu hết các hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống, việc điều chỉnh giá bán điện sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội nên Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, cần phải báo cáo Thủ tướng có ý kiến trong trường hợp ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, trong một số năm, giá điện đã giữ ổn định để đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đời sống người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã nghiên cứu sửa đổi Quyết định 24 xây dựng cơ chế điều chỉnh theo lộ trình phù hợp và đã trình Thủ tướng.

Theo TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.